Thực chất của việc nuôi muỗi là nhằm tạo ra quần thể muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia (ít có khả năng lây truyền bệnh sốt xuất huyết dengue) thay thế quần thể muỗi vằn tự nhiên (lây truyền bệnh sốt xuất huyết dengue). Đây là dự án do Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ chủ trì phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và sở Y tế Khánh Hòa thực hiện.
Vào thứ Tư hàng tuần, các cộng tác viên của dự án lại đến các gia đình trên đảo Trí Nguyên để đặt một lọ nước chứa bọ gậy. Loại bọ gậy này do Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cung cấp, chúng được cấy tác nhân sinh học Wolbachia có tác dụng làm ức chế khả năng truyền bệnh sốt xuất huyết. Khi nở ra, muỗi sẽ mang Wolbachia, nếu là muỗi cái kết hợp với muỗi vằn tự nhiên sẽ cho ra đời thế hệ muỗi tiếp theo mang vi khuẩn Wolbachia. Theo cách làm này, quần thể muỗi tự nhiên lâu nay trên đảo sẽ dần được thay thế bằng quần thể muỗi mang Wolbachia ngăn ngừa lan truyền sốt xuất huyết.
Tiến sỹ Lê Hữu Thọ, PGĐ sở Y tế Khánh Hòa, cho biết: “Đây là một phương pháp mới mà trường Đại học Úc đã triển khai ở một số quốc gia, sử dụng tác nhân sinh học kết hợp với muỗi vằn cho ra muỗi ức chế virus dengue”.
Để các nhà khoa học tiện theo dõi tình hình triển khai dự án, hiện nay 800 hộ gia đình trên đảo Trí Nguyên đều có một mã số. Mục tiêu mà các nhà khoa học đưa ra, sau 3 tháng triển khai, muỗi vằn có khả năng lây bệnh sốt xuất huyết tại địa phương sẽ được thay thế bằng muỗi vằn mang Wolbachia không còn lây bệnh sốt xuất huyết.
Trên thế giới, phương pháp kiểm soát bệnh sốt xuất huyết bằng tác nhân Wolbachia đã được thực hiện ở Úc vào năm 2011 và đã mang lại nhiều kết quả mong đợi. Vì vậy, việc triển khai dự án được hy vọng tạo ra hướng mới trong phòng chống sốt xuất huyết - một trong mười bệnh truyền nhiễm có tỉ lệ mắc và tử vong cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Hiện nay tại Việt Nam, dân số trong vùng sốt xuất huyết lưu hành có nguy cơ mắc bệnh là khoảng 70 triệu người, chiếm 82% dân số.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.