
(Ảnh minh họa: Pexels)
Cơ quan cung ứng máu quốc gia Pháp (EFS) cho biết người phụ nữ này là người duy nhất mang trong mình hệ thống nhóm máu thứ 48 được xác định trên thế giới. Thông báo được EFS đưa ra sau 15 năm kể từ khi các nhà nghiên cứu tiếp nhận một mẫu máu từ một bệnh nhân đang thực hiện các xét nghiệm thường quy trước ca phẫu thuật.
"EFS vừa phát hiện ra hệ thống nhóm máu thứ 48 trên thế giới! Phát hiện này đã được Hiệp hội Truyền máu Quốc tế (ISBT) chính thức công nhận vào đầu tháng 6 tại Milan" - EFS tuyên bố trên mạng xã hội LinkedIn.
Trước đó, ISBT chỉ công nhận 47 hệ nhóm máu, bao gồm các hệ phổ biến như ABO và Rh. Việc xác định chính xác nhóm máu thứ 48 này là bước quan trọng, giúp cải thiện khả năng chăm sóc y tế cho bệnh nhân có nhóm máu hiếm.
Thierry Peyrard, chuyên gia sinh học y khoa tại EFS và là người tham gia phát hiện này, chia sẻ với AFP rằng một kháng thể "rất bất thường" đã được phát hiện ở bệnh nhân từ năm 2011. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng thời điểm đó các nguồn lực không cho phép tiếp tục nghiên cứu sâu hơn.
Ông Peyrard cho biết, đến năm 2019, các nhà khoa học cuối cùng đã có thể giải mã bí ẩn nhờ vào công nghệ "giải trình tự DNA thế hệ mới với công suất cao", qua đó phát hiện ra một đột biến gen đặc biệt.
Bệnh nhân, lúc đó 54 tuổi và sống tại Paris, đang trải qua các xét nghiệm thường quy trước khi phẫu thuật thì phát hiện ra kháng thể lạ. Chuyên gia Thierry Peyrard khẳng định: "Người phụ nữ này chắc chắn là trường hợp duy nhất được biết đến trên thế giới".
"Cô ấy là người duy nhất trên thế giới chỉ có thể truyền máu cho chính mình" - ông Peyrard nhấn mạnh.
Theo ông Peyrard, người phụ nữ này thừa hưởng nhóm máu hiếm từ cả cha và mẹ - mỗi người đều mang một bản sao của gen đột biến.
Tên gọi "Gwada âm tính" được đặt theo biệt danh địa phương của đảo Guadeloupe - nguồn gốc vùng Caribbean của bệnh nhân - và được giới chuyên môn đánh giá là "dễ phát âm trong nhiều ngôn ngữ".
Hệ thống nhóm máu ABO lần đầu tiên được phát hiện vào đầu những năm 1900, dựa trên sự hiện diện hoặc thiếu các kháng nguyên đặc hiệu trên bề mặt hồng cầu. Nhờ vào công nghệ giải trình tự ADN, việc phát hiện các nhóm máu mới đã tăng tốc đáng kể trong những năm gần đây. Peyrard và các cộng sự hiện đang hy vọng sẽ tìm được những người khác có cùng nhóm máu hiếm này.
"Việc phát hiện các nhóm máu mới đồng nghĩa với việc có thể cung cấp dịch vụ truyền máu an toàn và hiệu quả hơn cho những bệnh nhân có nhóm máu hiếm" - EFS nhấn mạnh.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.