
Ảnh: Getty Images
Những nguyên nhân gây ra đốm trắng trên móng tay
Có khá nhiều lý do khiến đốm trắng xuất hiện. Trong khi hầu hết trường hợp là lành tính, nghĩa là bạn không cần phải lo lắng, thì vẫn có khi đó là lời nhắc nhở tình trạng sức khỏe tiềm ẩn cần được kiểm tra. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất, theo các chuyên gia.
- Thiếu hụt vitamin: Khi cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng thì móng tay có thể thay đổi màu sắc, kết cấu. Nếu thiếu kẽm, biotin hoặc canxi có thể tạo nên các đốm trắng. Tuy nhiên để xác định chính xác cơ thể có thiếu vitamin hay không thì không chỉ dựa vào triệu chứng đơn thuần mà cần thực hiện các xét nghiệm chuyên khoa.
Để giúp móng khỏe, có thể bổ sung vitamin qua đường ăn uống bằng cách chọn lựa thịt gà, trứng, cải xoăn, bông cải xanh, các sản phẩm từ sữa...
- Do làm móng quá nhiều:
Nếu bạn có thói quen làm móng tay hai tuần một lần, đặc biệt là sử dụng phương pháp sơn gel thì đây có thể là lý do khiến móng có những đốm, vệt trắng. Các loại hóa chất trong nước tẩy sơn móng tay và các sản phẩm dạng gel có thể làm khô và gây ra các vết trầy trên bề mặt móng. Keo dán móng giả cũng có nhiều tác dụng phụ.

Sơn móng quá nhiều có thể khiến bề mặt móng bị tổn thương (Ảnh: Pexels)
Những vết trắng này không thực sự là vấn đề sức khỏe, nhưng để lại những khó chịu về mặt thẩm mỹ, tạo cảm giác không chỉn chu, sạch sẽ. Giải pháp là, có thể cắt giảm số lần đến tiệm làm móng, để móng được "nghỉ ngơi" tự nhiên trong vài tuần hoặc sử dụng loại sơn và chất tẩy sơn ít gây kích ứng, ít tính mài mòn hơn khi. Nên sử dụng những dụng cụ làm móng riêng hoặc yêu cầu nhân viên vệ sinh, khử trùng dụng cụ thật kỹ để tránh lây nhiễm nấm.
Mặc dù có thể giũa, đánh bóng để che đi đốm trắng nhưng đây là cách chuyên gia khuyên không nên làm vì đánh bóng quá mức sẽ gây ra các vấn đề lâu dài, khiến móng thậm chí còn yếu hơn nữa.
- Móng bị chấn thương
Móng tay là một bộ phận mỏng manh của cơ thể, vì vậy bất kỳ chấn thương nào ở khu vực này, chẳng hạn như đập móng tay vào bề mặt cứng, đều có thể khiến bạn bị đốm trắng. Những loại chấn thương này thường dẫn đến đốm trắng thay vì các dải trắng dài hơn, vết bầm tím hoặc đổi màu toàn bộ móng. Ngay cả thói quen cắn móng tay cũng có thể để lại những đốm, vệt trắng.
Tuy nhiên, nếu toàn bộ móng tay của bạn chuyển sang màu trắng đục, thì đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn như xơ gan hoặc suy thận và cần được điều trị y tế. Với cả hai trường hợp này thường sẽ đi kèm với những triệu chứng khá rõ ràng khác như mệt mỏi, đau bụng, buồn nôn...
- Nấm móng
Khi bị nấm móng, bạn có thể bị sưng và đỏ xung quanh nền móng, ngứa hoặc kết cấu móng dày lên. Trong trường hợp này, cần sử dụng kem chống nấm hoặc thuốc uống để điều trị nhiễm trùng.
Duy trì vệ sinh đúng cách, bao gồm cắt móng tay và giữ cho tay khô và sạch, có thể giúp ích cho việc ngăn ngừa nhiễm nấm móng.
Ngoài ra sử dụng, tiếp xúc với một số loại thuốc cũng có thể làm thay đổi màu móng, tạo nên các đốm trắng.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Những dấu hiệu lạ, biến đổi trên móng dễ phát hiện. Nên đi khám bác sĩ da liễu nếu các đốm trắng lan rộng, dày lên, đau, hoặc các đường kẻ chạy dọc móng tay thường xuyên hoặc lan rộng mà không có nguyên nhân rõ ràng. Đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc một vấn đề tiềm ẩn khác như các bệnh về gan, tiểu đường.
Nội soi da có thể giúp bác sĩ nhìn thấy những bất thường mà mắt không nhìn thấy được từ đó xác định chính xác tình trạng cơ thể và đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.