Ngày đầu bà Paetongtarn làm Bộ trưởng Văn hóa sau khi bị đình chỉ chức Thủ tướng Thái Lan

An Khê (Theo Nation Thailand, Khaosod)

04/07/2025 19:01 GMT+7

Ngày 4/7, bà Paetongtarn Shinawatra - người đang bị Tòa án Hiến pháp chỉ chức vụ Thủ tướng Thái Lan - vừa chính thức bắt đầu ngày làm việc đầu tiên trong vai trò Bộ trưởng Văn hóa.

Bà Paetongtarn Shinawatra phát biểu trong lễ nhậm chức tại Bộ Văn hóa, ngày 4/7/2025. (Ảnh KHAOSOD/Yingyos Akmanachai)

Bà Paetongtarn Shinawatra phát biểu trong lễ nhậm chức tại Bộ Văn hóa, ngày 4/7/2025. (Ảnh KHAOSOD/Yingyos Akmanachai)

Tại buổi nhậm chức sáng 4/7 tại Bộ Văn hóa Thái Lan, bà Paetongtarn đã nhận được sự chào đón trọng thị từ các lãnh đạo bộ, trong đó có Tổng thư ký Bộ Văn hóa Prasop Riangngen, cùng sự hiện diện của Bộ trưởng Giao thông Suriya Jungrungreangkit, Bộ trưởng Giáo dục Đại học Sudawan Wangsuphakijkosol và Thứ trưởng Giáo dục Linthiporn Varinwatchararoj.

"Tôi rất hạnh phúc khi lần đầu tiên có cơ hội đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Văn hóa, dù đang tạm dừng vai trò Thủ tướng. Tôi cam kết sẽ cống hiến hết mình để xây dựng văn hóa trở thành trụ cột phát triển quốc gia", bà phát biểu.

Bà Paetongtarn nhấn mạnh tầm nhìn xây dựng Bộ Văn hóa trở thành lực lượng chiến lược quốc gia, tương tự như mô hình mà Hàn Quốc đã thành công khi đưa văn hóa trở thành công cụ quyền lực mềm tạo ra hàng tỷ USD giá trị xuất khẩu.

Dù đang đối mặt với nhiều áp lực chính trị, bà vẫn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ đưa văn hóa trở thành động lực mới thúc đẩy kinh tế và xã hội Thái Lan.

Trong phát biểu của mình, bà Paetongtarn chia sẻ rằng Bộ Văn hóa thường bị xem là bộ "nhỏ", nhưng thực chất lại đóng vai trò trung tâm trong việc phát huy giá trị truyền thống, thúc đẩy ngành công nghiệp sáng tạo, và gia tăng sức cạnh tranh mềm của Thái Lan trên trường quốc tế.

"Chúng ta phải đưa văn hóa ra khỏi khuôn khổ bảo tồn đơn thuần để trở thành động lực tạo việc làm, tạo cơ hội nghề nghiệp cho người dân. Đây là lời hứa tôi từng đưa ra trước cử tri, và tôi sẽ thực hiện điều đó bằng mọi cách", bà nói.

Ngày đầu bà Paetongtarn làm Bộ trưởng Văn hóa sau khi bị đình chỉ chức Thủ tướng Thái Lan - Ảnh 1.

Bà Paetongtarn tại trụ sở Bộ Văn hóa Thái Lan, ngày 4/7/2025. (Ảnh: The Nation)

Tổng thư ký Bộ Văn hóa Prasop Riangngen cũng khẳng định: "Sự hiện diện của bà Paetongtarn như một ngọn đèn rọi sáng Bộ Văn hóa. Các công chức rất phấn khởi và sẽ cùng nhau thúc đẩy các sáng kiến mới vượt khỏi khuôn khổ phục dựng và bảo tồn truyền thống".

Đáng chú ý, đây là lần thứ hai trong lịch sử Thái Lan một Thủ tướng đương nhiệm (dù đang bị đình chỉ) kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Văn hóa. Trước đó, Thống chế Plaek Phibunsongkhram - người sáng lập Bộ Văn hóa gần 70 năm trước - là người đầu tiên đảm nhiệm đồng thời hai chức vụ này.

Bên cạnh những kỳ vọng, bà Paetongtarn cũng đang đối mặt với nhiều sức ép. Ngày 1/7, Tòa án Hiến pháp Thái Lan đã ra lệnh tạm đình chỉ chức vụ Thủ tướng của bà để phục vụ cuộc điều tra về việc bà bị cáo buộc "quá thân thiện" với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen trong một cuộc điện đàm liên quan đến tranh chấp biên giới. Bà có 15 ngày để nộp bằng chứng biện hộ.

Trong khi đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Văn hóa, bà cũng vướng vào làn sóng tin giả do các nhóm đối lập lan truyền, như cáo buộc Thái Lan trả lại 20 cổ vật cho Campuchia, hay thông tin ba ngôi đền ở vùng tranh chấp có thể bị mất quyền kiểm soát.

Trả lời báo chí, bà Paetongtarn khẳng định việc trả lại 20 cổ vật là quyết định của chính phủ tiền nhiệm do cựu Thủ tướng Srettha đề xuất, được thông qua ngày 21/5/2024 sau khi giới chuyên gia xác nhận hiện vật có nguồn gốc từ Campuchia. Tuy nhiên, đến nay việc chuyển giao vẫn chưa thực hiện do thiếu ngân sách vận chuyển.

"Tôi sẽ khởi kiện những người cố tình tung tin giả gây tổn hại đến danh dự và uy tín của tôi cũng như Bộ Văn hóa", bà Paetongtarn tuyên bố.

Ngày đầu bà Paetongtarn làm Bộ trưởng Văn hóa sau khi bị đình chỉ chức Thủ tướng Thái Lan - Ảnh 2.

(Ảnh: The Nation)

Chính phủ Thái Lan đối mặt áp lực ngày càng lớn từ phe đối lập

Lãnh đạo đảng Nhân dân đối lập Thái Lan đang gia tăng sức ép lên chính phủ khi kêu gọi bổ nhiệm một Thủ tướng lâm thời và giải tán Hạ viện trước cuối năm nay, nhằm ngăn chặn nguy cơ bế tắc chính trị.

Trong tuyên bố đăng tải trên trang Facebook chính thức hôm 3/7, đảng đối lập lớn nhất nêu rõ các điều kiện để ủng hộ một lãnh đạo mới trong trường hợp Thủ tướng Paetongtarn Shinawatra bị Tòa án Hiến pháp phế truất do liên quan đến đoạn ghi âm rò rỉ cuộc trao đổi giữa bà và Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen về tranh chấp biên giới.

Theo đảng Nhân dân, Thủ tướng mới phải cam kết giải tán quốc hội trước cuối năm và tập trung giải quyết các thách thức chính trị, kinh tế và an ninh đang đè nặng lên đất nước. Động thái này báo hiệu một giai đoạn bất ổn chính trị mới nếu chính phủ không đưa ra hướng đi rõ ràng trong thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.