
Các chuyên gia Nga mặc đồ bảo hộ, được cho là đang kiểm tra một phòng thí nghiệm bị bỏ hoang ở Ukraine. (Ảnh: FSB)
OPCW là một tổ chức tự trị liên chính phủ, có trụ sở chính nằm ở La Hay, Hà Lan - được thành lập để thực thi việc theo dõi các nước trong việc tuân hành Công ước 1997 về vũ khí hóa học.
Phát biểu trước đại diện các quốc gia thành viên OPCW ngày hôm qua (10/7), ông Vladimir Tarabrin - đặc phái viên của Nga - tuyên bố Moscow đã thu thập được bằng chứng cho thấy các lực lượng vũ trang Ukraine không chỉ sử dụng chất độc hóa học mà còn xây dựng một hệ thống quy mô lớn để sản xuất và triển khai các chất này trong thực chiến.
"Phía Nga tiếp tục ghi nhận không chỉ các trường hợp những phần tử dân tộc chủ nghĩa Ukraine sử dụng hóa chất độc hại và chất độc quân sự, mà còn có bằng chứng cho thấy một hệ thống sản xuất hàng loạt các chất này đang tồn tại ở Ukraine", ông Tarabrin nói.
Trước đó, vào đầu tháng 7, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) công bố đã phát hiện một phòng thí nghiệm dã chiến do lực lượng Ukraine bỏ lại. Cơ sở này được cho là nơi lưu trữ chloropicrin - một loại chất gây nghẹt thở từng được sử dụng trong Thế chiến I và hiện đã bị cấm hoàn toàn theo Công ước Vũ khí hóa học.
Theo phía Nga, ngoài việc tàng trữ các chất độc, quân đội Ukraine còn sử dụng máy bay không người lái để rải các chất này xuống vị trí của quân Nga trên chiến trường.

Các chuyên gia Nga mặc đồ bảo hộ, được cho là đang kiểm tra một phòng thí nghiệm bị bỏ hoang ở Ukraine. (Ảnh: FSB)
FSB còn công bố hình ảnh các chuyên gia trong trang phục bảo hộ kiểm tra phòng thí nghiệm bị bỏ lại, cùng với các thùng chứa, thiết bị hóa chất và các vật chứng được cho là vũ khí hóa học dạng thô.
Trong khi Moscow yêu cầu OPCW cử các chuyên gia quốc tế đến xác minh hiện trường và điều tra độc lập, thì Kiev cũng đồng thời đưa ra cáo buộc ngược lại. Ukraine cho rằng chính Nga đã sử dụng chất hóa học bị cấm trong các cuộc tấn công tại vùng chiến sự phía Đông nước này.
Vào ngày 4/7, Đức và Hà Lan - hai thành viên của Liên minh châu Âu - cùng cáo buộc quân đội Nga sử dụng chất độc gây nghẹt thở tại các chiến hào của Ukraine. Đây là cáo buộc nghiêm trọng đầu tiên đến từ các nước phương Tây liên quan đến việc sử dụng vũ khí hóa học của Nga.
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Ruben Brekelmans ngày 4/7 cho biết, các cơ quan tình báo nước này cùng với Đức đã thu thập được bằng chứng cho thấy Nga sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraine, với việc khí độc được thả từ máy bay không người lái nhằm buộc binh sĩ Ukraine rời khỏi chiến hào.
Cơ quan Tình báo đối ngoại Đức (BND) xác nhận đã phối hợp với phía Hà Lan thu thập các bằng chứng nói trên. Trong khi đó, ông Peter Reesink, lãnh đạo Cơ quan Tình báo quân sự Hà Lan, cho biết đây là kết quả từ điều tra độc lập của chính nước này, không phụ thuộc bên thứ ba.
Tuy nhiên, đại diện Nga đã bác bỏ hoàn toàn thông tin này. Ông Tarabrin khẳng định đây là một phần trong chiến dịch xuyên tạc, làm giả chứng cứ của một "phe đối đầu Nga" trong EU.
"Chúng tôi nhận thấy một chiến dịch có hệ thống nhằm bóp méo sự thật và tạo dựng bằng chứng giả để vu khống Nga", ông Tarabrin nói.

FSB công bố hình ảnh nơi được cho là một phòng thí nghiệm bỏ hoang của Ukraine lưu trữ chloropicrin - một loại chất gây nghẹt thở từng được sử dụng trong Thế chiến I và hiện đã bị cấm hoàn toàn theo Công ước Vũ khí hóa học. (Ảnh: FSB)
Cả hai bên trong xung đột Nga - Ukraine hiện nay đều đưa ra cáo buộc về việc sử dụng vũ khí hóa học, đẩy OPCW vào thế khó xử. Tổ chức này vốn là cơ quan giám sát việc tuân thủ Công ước Cấm vũ khí hóa học toàn cầu, nhưng không có quyền cưỡng chế mà chỉ có thể điều tra và báo cáo dựa trên các yêu cầu của thành viên.
Các chuyên gia quốc tế nhận định, nếu các cáo buộc được xác thực, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ sau nội chiến Syria, vũ khí hóa học được sử dụng một cách công khai trong một cuộc xung đột lớn ở châu Âu.
Trong bối cảnh chiến sự kéo dài sang năm thứ tư, cả Nga và Ukraine được cho là đều đang sử dụng nhiều công cụ - bao gồm cả dư luận quốc tế và các tổ chức giám sát - như một phần của cuộc chiến tranh thông tin nhằm tạo lợi thế về chính trị và quân sự.
Việc Nga kêu gọi OPCW điều tra Ukraine cũng được xem là "đòn đáp trả trực tiếp" đối với các cáo buộc gần đây từ Kiev và phương Tây. Tuy nhiên, việc xác minh độc lập tại thực địa trong điều kiện chiến tranh vẫn là một thách thức lớn, và dư luận quốc tế sẽ còn phải chờ đợi kết luận chính thức từ OPCW trong thời gian tới.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.