
Một tên lửa Neptune do Ukraine sản xuất được phóng vào ngày 5/4/2019. (Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine)
Loại tên lửa mà Kiev đang lên kế hoạch sản xuất là tên lửa đạn đạo tầm ngắn Sapsan (còn gọi là Hrim-2) - một vũ khí do chính nước này nghiên cứu và chế tạo. Đây được xem là cột mốc quan trọng trong nỗ lực tự lực phòng thủ trước cuộc chiến tranh toàn diện với Nga.
Thông báo được đưa ra vào ngày 13/6, đánh dấu lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Lạnh, một quốc gia châu Âu sản xuất tên lửa đạn đạo thông thường.
Báo Kyiv Independent trích dẫn từ các nguồn tin bí mật cho biết tên lửa Sapsan được thử nghiệm thành công hồi tháng 5, với tầm bắn gần 300 km, đánh trúng mục tiêu quân sự Nga. Theo ông Valentyn Badrak, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quân sự Ukraine, hiện loại vũ khí này đã hoàn tất thử nghiệm và chuyển sang giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Thông số kỹ thuật chi tiết chưa được công bố chính thức, nhưng giới phân tích tin rằng Sapsan có thể vượt xa tầm bắn 300 km và mang theo đầu đạn nặng hơn 480 kg, vượt trội so với nhiều mẫu tên lửa tương đương. Chuyên gia Federico Borsari từ Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu (CEPA) nhận định: "Đây là đầu đạn rất lớn, cho thấy Ukraine đang ưu tiên sức công phá hơn là tầm xa".

Ảnh minh họa Bệ phóng tên lửa đạn đạo tầm ngắn Sapsan: Kyiv Independent)
Việc Ukraine chủ động phát triển tên lửa nội địa xuất phát từ sự thiếu hụt tên lửa chiến thuật phương Tây, đặc biệt là sau khi Mỹ và châu Âu phải phân phối kho dự trữ cho nhiều điểm nóng khác.
"Mỹ dần cạn kiệt tên lửa và không sẵn sàng cung cấp thêm. Còn châu Âu thì gần như không có tên lửa đạn đạo tầm ngắn", ông Kyrychevsky nói.
Chuyên gia Fabian Hoffmann từ Đại học Oslo cho biết: "Ukraine hiện là quốc gia châu Âu duy nhất sau Chiến tranh Lạnh chế tạo lại tên lửa đạn đạo thông thường. Ngoài Pháp (sản xuất ICBM phóng từ tàu ngầm) và Anh (không tự sản xuất), châu Âu không còn nước nào sở hữu năng lực này".
Ban đầu, phương Tây từng do dự và lo ngại khả năng Ukraine sử dụng vũ khí tấn công này có thể khiến Nga leo thang chiến sự. Nhưng quan điểm hiện tại đã thay đổi. Ông Hoffmann nhận định: "Miễn là tên lửa do người Ukraine sản xuất, vận hành bởi binh sĩ Ukraine, thì các đối tác phương Tây không muốn can thiệp quá sâu".
Không giống tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo có khả năng đạt tốc độ cực cao lên tới hơn 3.200 km/h, tạo ra khó khăn lớn cho hệ thống phòng không. Chúng được điều khiển chủ yếu trong giai đoạn đầu, sau đó bay theo quỹ đạo đạn đạo, khiến việc đánh chặn trở nên phức tạp.
Nga hiện sử dụng nhiều loại tên lửa đạn đạo như Iskander để tấn công Ukraine. Riêng trong vụ tấn công ngày 17/6, ít nhất 10 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương ở thủ đô Kiev khi một tên lửa đạn đạo Nga phá hủy một tòa nhà dân cư.
Tuy Nga sở hữu các hệ thống phòng không hiện đại như S-300PM và S-300V4, được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo, nhưng Sapsan với tính năng mới có thể tạm thời vượt qua mạng lưới phòng thủ này, buộc Nga phải điều chỉnh hệ thống theo dõi và phần mềm phát hiện.

Một khu dân cư tại thủ đô Kiev bị trúng không kích của lực lượng Nga, ngày 17/6/2025. (Ảnh: Anadolu/Getty Images)
Vẫn còn nhiều thách thức
Việc Ukraine chuyển sang sản xuất hàng loạt Sapsan vẫn đang đối mặt với những trở ngại lớn. Theo ông Hoffmann, các nhà máy lộ thiên rất dễ trở thành mục tiêu cho tên lửa Nga, buộc Ukraine phải xây dựng các cơ sở sản xuất ngầm, vừa tốn kém, vừa mất thời gian.
Tuy vậy, ông Borsari cho rằng nếu Ukraine sản xuất được 80 - 100 quả tên lửa mỗi năm, đây sẽ là lực lượng đủ mạnh để gây tổn thất đáng kể cho quân đội Nga.
Tổng thống Zelensky ngày 16/4 tuyên bố, hơn 40% vũ khí sử dụng tại tiền tuyến hiện do Ukraine tự sản xuất, trong đó 95% thiết bị bay không người lái là sản phẩm nội địa. Ukraine cũng đang tăng cường sản xuất tên lửa hành trình Neptune với tầm bắn xa hơn, và ra mắt loại vũ khí kết hợp giữa tên lửa và UAV mang tên Palianytsia.
Bất chấp nỗ lực này, Nga vẫn duy trì chiến lược tấn công ồ ạt, liên tục sử dụng hàng trăm UAV tự sát và tên lửa tầm xa để tấn công cơ sở hạ tầng quốc phòng Ukraine.
Theo tình báo quân sự Ukraine (HUR), sản lượng tên lửa đạn đạo của Nga đã tăng hơn 66% trong năm qua, đặt ra thách thức ngày càng lớn đối với hệ thống phòng thủ của Kiev.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.