Lợi dụng “kẽ hở” quản lý người tâm thần phạm tội để thoát tội

Nguyễn Ngân

02/07/2025 19:55 GMT+7

Những bất cập, kẽ hở trong quản lý người tâm thần phạm tội khi chữa bệnh bắt buộc tại các cơ sở y tế đã khiến nhiều đối tượng triệt để lợi dụng kết quả giám định tâm thần để thoát tội.

Liên quan đường dây "chạy" kết luận giám định tâm thần rất nguy hiểm vừa bị Công an TP Hà Nội phát hiện, ngoài 36 lãnh đạo, cán bộ của Viện Pháp y tâm thần Trung ương, 3 lãnh đạo của Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc cũng đã bị khởi tố, tạm giam.

Những bất cập, kẽ hở trong quản lý người tâm thần phạm tội khi chữa bệnh bắt buộc tại các cơ sở y tế đã khiến nhiều đối tượng triệt để lợi dụng kết quả giám định tâm thần để thoát tội. Nhiều đối tượng tội phạm đang phải chữa bệnh tâm thần bắt buộc, nhưng ra ngoài tự do tiếp tục phạm tội.

Hồ sơ giám định của 1 đối tượng trong vụ án tổ chức trái phép chất ma túy đã bị sửa chữa làm giả nhiều triệu chứng.

Tháng 11/2024, kết luận Viện Pháp y tâm thần Trung ương đối tượng bị mất khả năng và điều khiển hành vi.

Tháng 2/2025, Cơ quan Cảnh sát điều tra nghi ngờ yêu cầu giám định lại tại Trung tâm pháp y tâm thần khu vực miền núi phía Bắc, đối tượng tiếp tục được kết luận "Mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi". Đối tượng được tạm hoãn thi hành án hình sự và đưa đi điều trị bắt buộc tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương

Tại đây, đối tượng cấu kết với lãnh đạo, bác sĩ, nhân viên của Viện để được tự do ra ngoài cùng nhiều đối tượng khác tổ chức những chuyến du lịch và sử dụng ma túy.

Lợi dụng “kẽ hở” quản lý người tâm thần phạm tội để thoát tội - Ảnh 1.

Cả nước có 7 cơ sở có chức năng giám định tâm thần do Bộ Y tế quản lý, nhưng không có một cơ chế hay cơ quan nào khác kiểm tra, giám sát hoặc đánh giá lại kết quả nếu có nghi vấn.

Đối tượng Lại Thành Trung (Phó Trưởng khoa cận lâm sàng, giám định viên Trung tâm Pháp y tâm thần miền núi phía Bắc) khai nhận: "Nếu họ trung thực làm thì không xảy ra sai sót, nhưng vì đồng tiền, sức ép bên ngoài mà họ vi phạm. Chính lãnh đạo đã ép tôi vào con đường này".

Khi Cơ quan Cảnh sát điều tra nghi ngờ kết luận giám định tâm thần của một đối tượng và yêu cầu giám định tại 1 trung tâm khác, các đối tượng lại tiếp tục cấu kết với một bộ phận lãnh đạo, nhân viên ở đây làm sai lệch kết quả. Viên đạn bọc đường trong vụ án này cũng vẫn là tiền và quà đã làm tha hóa, biến chất một bộ phận cán bộ và nhân viên y tế.

Cả nước có 7 cơ sở có chức năng giám định tâm thần do Bộ Y tế quản lý, nhưng lại không có một cơ chế hay cơ quan nào khác kiểm tra, giám sát hoặc đánh giá lại kết quả nếu có nghi vấn. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải căn cứ vào kết luận từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương. Việc truy tìm nếu đối tượng bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn còn nhiều kẽ hở.

"Có 2 cấp để đảm bảo tính khách quan, minh bạch. Thời gian đối tượng bắt buộc phải chữa bệnh bỏ trốn vẫn được hưởng thời hiệu, nên khi truy tìm được thì bị can đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự", ông Đào Thịnh Cường (Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội) cho hay.

Đối tượng bị mắc bệnh tâm thần gây án vừa có yếu tố bệnh lý, vừa có yếu tố tội phạm.

Quy định đối tượng mắc bệnh tâm thần khi áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh sẽ được trừ vào thời gian chấp hành án cũng đang bị lợi dụng. Nhiều đối tượng đã tìm cách kéo dài thời gian chữa bệnh bắt buộc cho đến hết thời hạn thi hành án.

"Trong thời gian chữa bệnh tâm thần bắt buộc không được giảm trừ và tính trừ thời gian thi hành án cũng như tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đối tượng này. Đây là một trong những nội dung chúng tôi kiến nghị để sửa đổi trong thời gian tới", Thượng tá Nguyễn Trọng Bằng (Phó Chánh văn phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an TP Hà Nội) cho biết.

Không thể để bệnh án tâm thần trở thành "kim bài miễn tử" cho tội phạm, nếu không có một cuộc thay đổi toàn diện, những quy định nhân đạo của pháp luật sẽ bị các đối tượng tiếp tục lợi dụng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.