Xin ông cho biết, dựa vào căn cứ nào mà nhiều chuyên gia cùng lúc cho rằng số liệu xuất khẩu của Trung Quốc đã bị làm méo mó, biến dạng.
Ông Louis Lam: Tôi xin đưa ra hai căn cứ theo tôi là quan trọng để giải thích cho câu hỏi trên. Trước hết là sự không nhất quán giữa chỉ số quản lý sản xuất PMI và kim ngạch xuất khẩu. Chỉ số PMI cho biết bức tranh toàn cảnh về tình hình sản xuất của một nước trong tháng trước đó. Theo Cục thống kê Trung Quốc, PMI tháng 12 đạt 50,6%, dậm chân tại chỗ so với tháng 11, tức là không mở rộng sản xuất. Mà không mở rộng sản xuất thì liệu sản lượng hàng hóa xuất khẩu có tăng nhanh, mạnh và nhiều như thế không?
Thứ hai, số liệu công bố của Tổng cục thống kê Trung Quốc và một số tổ chức có sự sai khác nhau. Ví dụ như xét về kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc, một trong năm thị trường chủ đạo của Trung Quốc. Phía Hàn Quốc cho biết, kim ngạch nhập khẩu giảm 6,8% so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng Trung Quốc công bố lại tăng 5,7%. Hoàn toàn mâu thuẫn phải không?.
Nếu như số liệu thống kê không chính xác, vậy mục đích phía sau của việc này là gì, thưa ông?
Ông Louis Lam: Thực sự rất khó để biết chính xác mục đích của việc này là gì. Hôm thứ hai vừa qua, tờ Global Times cũng đã gửi câu hỏi, yêu cầu cơ quan Hải quan Trung Quốc lý giải cặn kẽ về vấn đề này, đến nay cơ quan đó vẫn chưa có câu trả lời. Tôi cũng không loại trừ khả năng các con số đã bị uốn nắn để đạt được những mục tiêu nhất định.
Theo cá nhân ông, ông nhìn nhận tình hình kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ ra sao?
Ông Louis Lam: Công bằng nhìn nhận thì rõ ràng, nền kinh tế Trung Quốc thực sự có nhiều dấu hiệu phục hồi. Với đà này, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ sớm vượt khỏi khủng hoảng. Chính phủ chắc chắn sẽ kiểm soát chặt chẽ một số chỉ tiêu quan trọng như GDP, lạm phát. GDP năm nay, theo tôi đạt 8,2%, còn tỉ lệ lạm phát sẽ là 4%.
Xin cảm ơn ông về những thông tin trên!
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.