Theo Hội chăn nuôi Việt Nam, vào thời điểm hiện tại giá thịt lợn thu mua tại các nông hộ chỉ ở mức từ 34.000 - 36.000 đồng/kg hơi, thấp hơn so với giá thành sản xuất của người nông dân khoảng 6.000 – 7.000 đồng cho mỗi kg.
Người chăn nuôi trên cả nước đang phải chịu lỗ nặng nhưng ngược lại người tiêu dùng cũng không hề được hưởng giá thịt lợn rẻ. Ghi nhận từ các siêu thị cho thấy giá thịt lợn bán ở đây vẫn cao gấp 2 – 3 lần so với mức giá được nông dân bán ra. Điều này cho thấy đang tồn tại những nghịch lý trong hệ thống phân phối trên thị trường, chừng nào vấn đề này chưa khắc phục được thì cả người tiêu dùng lẫn người chăn nuôi đều phải chịu thiệt thòi.
Tại siêu thị một miếng thăn lợn 3,6 lạng được bán cho người tiêu dùng với giá 49.000 đồng. Có nghĩa là cao gấp 3 lần so giá bán ra của người nông dân.
Đại diện siêu thị khẳng định: thịt đắt là do các nhà cung ứng bán đắt, còn siêu thị dù biết là giá thịt bán tại các hộ dân rẻ hơn rất nhiều nhưng lại không có cách nào để tự tổ chức thu mua. Bên cạnh đó, mặc cả với các nhà cung cấp thì siêu thị cũng không có đủ thông tin để yêu cầu họ phải hạ giá.
‘Các đơn vị phân phối không thể thu mua nhỏ lẻ nên vẫn phải phụ thuộc nhà cung cấp.
Chị Phạm Thanh Loan, Phụ trách thu mua, Siêu thị Unimart, Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội cho biết: “Chúng tôi cũng cố gắng đàm phán với các nhà cung cấp như gọi điện để thương lượng, nhưng đa phần không thành công. Đa phần họ chỉ giảm cho chúng tôi 1 - 2 nghìn và đưa ra đủ các lý do như chi phí đầu vào, thu mua của nông dân cao… nhưng tất cả những điều này chúng tôi lại không kiểm chứng được”.
Trên toàn địa bàn Hà Nội chỉ có 6 cơ sở giết mổ công nghiệp, được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp thịt lợn sạch và có nguồn gốc xuất xứ. Việc khan hiếm nguồn cung cấp đã buộc các siêu thị dù muốn cũng không thể mua thịt lợn từ các nguồn khác trên thị trường.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay chính các siêu thị cũng đang phải chịu cảnh ế ẩm vì buộc phải mua nguồn thịt giá đắt.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết từ nhiều năm nay hiệp hội đã kiến nghị phải xây dựng thêm các cơ sở giết mổ đạt chuẩn nhưng đến nay vẫn không có chuyển biến gì.
Ông Vũ Vinh Phú cho biết thêm: “Sản xuất của chúng ta còn rất manh mún, siêu thị không thể đi mua của từng hộ dân vài chục quả trứng được. Cũng vì do không có hóa đơn, không ai đi kiểm dịch quy chuẩn, quy trình chăn nuôi của từng hộ nông dân được, do đó vẫn phải qua khâu trung gian. Thứ 2, hệ thống phân phối của chúng ta vốn ít, tính tổ chức không có, từ đó không thể tổ chức thành một chuỗi hay thành trung tâm sản xuất lớn hay vùng nguyên liệu để đưa thẳng từ sản xuất tới bán lẻ”.
Tuy nhiên lãnh đạo cục chăn nuôi, bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng giá thịt lợn rẻ hiện nay là do quy luật cung cầu. Khó khăn kinh tế đã khiến người tiêu dùng hạn chế ăn thịt khiến người nông dân cũng gặp khó khăn về đầu ra.
Một phương án đang được ngành chăn nuôi thực hiện là việc thí điểm các mô hình liên kết giữa các hộ nông dân với các doanh nghiệp để tiết giảm chi phí đầu vào lẫn tạo thuận lợi tìm kiếm đầu ra.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN – PTNT cho biết: “Chắc chắn người nông dân cứ duy trì sản xuất riêng lẻ thì tất tất yếu sẽ chịu thiệt thòi, nhưng nếu cùng đứng vào một hợp tác xã hoặc một hiệp hội những người nuôi lợn hoặc nuôi bò sữa thì đầu vào cũng được lợi còn dịch vụ đầu ra cũng sẽ tìm được một kênh phân phối, thu mua. Tôi cho rằng đây là bản chất của nền kinh tế thị trường, cần luôn luôn duy trì hình thức liên kết mới có thể tồn tại được”.
Trong thời điểm này, những hộ chăn nuôi đơn độc vẫn đang phải đối mặt với giá cả thị trường. Với giá thức ăn chăn nuôi cùng chi phí đầu vào, trên mỗi kg lợn người chăn nuôi sẽ phải chịu lỗ từ 6000 – 8000 đồng.
Theo thống kê của bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, so với cùng kỳ năm ngoái quy mô đàn trâu bò đã giảm khoảng 4%, đàn gia cầm giảm khoảng 3% và đàn lợn giảm 2%.
Ông Trần Ngọc Quý, Xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư, Thái Bình cho biết: “Đầu vào, chi phí thức ăn chăn nuôi cao mà đầu ra lại rất rẻ. Giá thành trên thị trường hiện tại, thịt lợn chỉ 30 nghìn đồng/kg thì chúng rồi làm sao có lãi”.
Tại một siêu thị, 1kg thịt thăn có giá lên tới gần 150 nghìn đồng, trong khi giá bán 1kg lợn hơi của nông dân còn chưa đến 30 nghìn đồng. Điều rõ ràng có thể nhận thấy là để giúp đỡ cho người tiêu dùng và nông dân thì cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng là rất cần thiết.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.