Trước thực trạng hàng nghìn container phế liệu làm nguyên liệu nhập khẩu bị chậm trễ thông quan, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, ngày 29/1, Tổ công tác của Thủ tướng đã kiểm tra tại cảng Hải Phòng và "truy" trách nhiệm của các cơ quan liên quan. Đây là thông tin được cộng đồng doanh nghiệp rất quan tâm.
Theo trang Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Tổ công tác cho biết cuộc kiểm tra được tiến hành theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng sau khi nhận được đơn kêu cứu từ các doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp nhập hàng từ tháng 6/2018, hàng đáp ứng tiêu chuẩn nhưng không được thông quan, đến nay chi phí lưu kho bãi 40-50 USD/ngày, thiệt hại cả tỷ đồng. Bán cả lô hàng đi cũng không đủ trả phí lưu kho bãi.
Theo các doanh nghiệp, trước thời điểm 29/10/2018, nhiều lô hàng phế liệu nhập khẩu không được thông quan vì Hải quan cho biết không thể kiểm tra và thông quan khi chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Tuy nhiên, sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Thông tư 08, 09 ban hành các quy chuẩn kỹ thuật với phế liệu, có hiệu lực từ 29/10/2018, nhiều cơ quan Hải quan vẫn không thông quan với các lô hàng đã đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật với lý do chưa có hướng dẫn thống nhất của Tổng cục Hải quan.
Trong buổi kiểm tra ngày 29/1, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, cách làm việc không hết trách nhiệm, vô cảm sẽ khiến "bóp chết" doanh nghiệp vì gánh nặng chi phí. Cuối cùng, sau khi ghi nhận ý kiến của các bên liên quan, Tổ công tác cho biết sẽ thống nhất với các cơ quan, báo cáo Thủ tướng hướng xử lý. Tinh thần là ngay sau Tết, doanh nghiệp sẽ có nguyên liệu sản xuất.
Từ câu chuyện tải cảng Hải Phòng, bài viết trên Báo Lao động bình luận: "Chính phủ đang rất quan tâm tháo gỡ triệt để, cải cách, đặc biệt là kiên quyết không tạo ra rào cản, thủ tục không cần thiết gây khó khăn cho doanh nghiệp, thì chuyện hàng nghìn container trơ trọi ở Hải Phòng hay Cát Lái - TP.HCM cũng như nhiều cảng biển khác cho thấy vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh".
Hội đồng tư vấn cải cách chính sách của Chính phủ mới đây đưa ra con số, mỗi ngày phát sinh 1 sản phẩm bị chậm trễ trước khi được vận chuyển sẽ làm giảm thương mại hơn 1%, nghĩa là mỗi năm Việt Nam mất không hàng tỉ USD chỉ vì những chậm trễ của thủ tục hành chính. Còn bao nhiêu "container vô cảm" còn tồn tại ở những ở cơ quan Nhà nước gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp?
Báo Lao động trích nhận định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ Mai Tiến Dũng: "Cần nhìn thẳng vào sự thật, nếu sai thì phải xin lỗi doanh nghiệp".
Sự thẳng thắn, quyết liệt của đoàn công tác của Chính phủ đã thể hiện rõ tinh thần năm 2019 phải bứt phá, hiệu quả hơn, cải cách thực chất hơn mà Thủ tướng đã chỉ đạo. Không chỉ phải cắt bỏ tất cả những gì là rào cản là giấy phép còn, mà cần ngay lập tức chấm dứt sự thiếu trách nhiệm, vô cảm với doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.