Khơi thông “huyết mạch” vùng Đồng bằng sông Cửu Long

VTV Digital

01/01/2001 07:00 GMT+7

VTV.vn - Hệ thống hạ tầng cao tốc được kết nối được ví như dòng "huyết mạch" dần khơi thông, mang lại sức sống mới cho vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

Tăng trưởng kinh tế dài hạn, bền vững của khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) phụ thuộc rất lớn vào việc tăng cường liên kết vùng, đầu tư hạ tầng giao thông. Thời gian qua, vùng kinh tế này đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư của Trung ương, các bộ, ngành để phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, mở ra nhiều cơ hội phát triển.

Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, khu vực ĐBSCL được quy hoạch 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài gần 1.200 km, quy mô 4 - 6 làn xe. Trong đó có 3 tuyến cao tốc trục dọc và 3 tuyến trục ngang tạo thành một mạng lưới kết nối thông suốt giữa các tỉnh thành.

Mới đây, tuyến Mỹ Thuận - Cần Thơ đi vào hoạt động, tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh về miền Tây đã được nối dài thêm 23 km. Hệ thống hạ tầng cao tốc được kết nối được ví như dòng "huyết mạch" dần khơi thông, mang lại sức sống mới cho vùng kinh tế quan trọng này.

Khơi thông “huyết mạch” vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Cầu Mỹ Thuận 2 (bên trái) và cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Cần Thơ đi TP Hồ Chí Minh còn 2 giờ, thay vì 3,5 giờ như trước. (Ảnh: Dân trí)

Khẩn trương thi công mạng lưới cao tốc miền Tây

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dài 110 km đang thi công khẩn trương. Trong khi chờ giải quyết bài toán thiếu cát, các đơn vị tập trung làm đường công vụ, các cầu, đúc cấu kiện bê tông và một số hạng mục phụ trợ. Đến nay, công trình đạt khoảng 15% giá trị hợp đồng.

"Nhà thầu đã huy động 300 cán bộ công nhân viên và 350 đầu máy để triển khai thi công. Ban sẽ quyết liệt triển khai thi công để hoàn thành cơ bản phần nền và chuyển sang làm phần móng, mặt đường", ông Phan Trọng Tú, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết.

Tuyến cao tốc trục ngang Cao Lãnh - An Hữu qua 2 tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp. Đặc thù của dự án này là vừa triển khai thi công vừa thiết kế. Do vậy các nhà thầu, đơn vị thi công phải dồn lực ngay từ đầu.

"19 cầu đã tiếp cận được để triển khai thi công, như vậy nhà thầu cũng phấn đấu trong vòng 18 tháng là hoàn thành công trình cầu. Còn lại phần đường phụ thuộc vào tiến độ gia tải", ông Hồ Vĩnh Quan, Phó Giám đốc BQL Dự án Đầu tư và Xây dựng công trình giao thông, Đồng Tháp, cho hay.

Hạ tầng giao thông được cải thiện cũng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đơn cử như tại tỉnh Vĩnh Long, dọc theo tuyến cao tốc, nhiều khu công nghiệp tiếp tục được xây dựng, hàng chục dự án mới đầu tư mở rộng.

Tuyến đường huyết mạch mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương theo hướng bền vững, lâu dài.

"Các khu công nghiệp sẽ hoàn thành để thu hút nhà đầu tư lớn, có tỷ trọng hàm lượng công nghệ cao và công nghiệp chế biến nhằm vực dậy nông nghiệp của ĐBSCL", ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, nhấn mạnh.

Có thể nói, nút thắt quan trọng, đầu tiên của vùng ĐBSCL là giao thông đang được tập trung đầu tư tháo gỡ. Các công trình ngay sau khi đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả cho thấy sự đầu tư đúng hướng và được kỳ vọng sẽ tạo ra bước đột phá mới cho vùng kinh tế trọng điểm này.

Phát huy hiệu quả cao tốc, cải thiện chi phí logistics

"Huyết mạch" được khơi thông sẽ tăng sức hấp dẫn cho vùng ĐBSCL khi chi phí được cải thiện và tăng dòng vốn đầu tư.

Hiện, khu vực kinh tế này đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, thủy sản và trái cây, đóng góp trên 33% GDP ngành nông nghiệp. Sự phát triển mạng lưới hạ tầng giao thông của các tỉnh, thành trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ giúp khu vực này không chỉ tăng lợi thế ngành nông sản, mà còn giúp phát triển công nghiệp, dịch vụ và logictics…

Sự quá tải hạ tầng đường bộ là một phần nguyên nhân khiến chi phí logistics tại khu vực ĐBSCL cao hơn so với mức trung bình của cả nước, theo báo cáo mới từ Hiệp hội Logistics Việt Nam. Việc sớm xây dựng và vận hành 6 tuyến cao tốc đang quy hoạch tại khu vực này được kỳ vọng sẽ là giải pháp cải thiện bất cập.

Hiện mỗi ngày doanh nghiệp vận chuyển khoảng 15 tấn trái cây tươi giữa các tỉnh miền Tây và từ miền Tây đi các tỉnh, thành khác.

Doanh nghiệp cho biết, việc hạ tầng đường sá, cao tốc tại khu vực này được cải thiện đã giúp chi phí vận chuyển của công ty giảm từ mức 20% xuống còn 15% giá thành sản phẩm, góp phần ổn định tăng trưởng.

"Việc xây dựng hệ thống cao tốc để hoàn thiện hệ thống giao thông tại khu vực ĐBSCL chắc chắn sẽ làm giảm chi phí vận chuyển, qua đó giúp mình có giá cạnh tranh hơn, thu hút khách hàng mới và tăng doanh thu", ông Mai Thanh Thái, đồng sáng lập Công ty công nghệ nông nghiệp FoodMap, cho hay.

Trong 3 năm trở lại đây, việc Chính phủ thúc đẩy đầu tư logistics như cảng biển, đường cao tốc đang có tác động tích cực đến dòng vốn đầu tư.

Thực tế, một số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với công nghệ cao, sử dụng năng lượng tái tạo, phục vụ tăng trưởng xanh đã chọn ĐBSCL làm "bến đỗ", phần vì để tận dụng lợi thế riêng của khu vực, phần vì vấn đề hạ tầng giao thông không còn là rào cản quá lớn.

"Việc vận chuyển nội địa từ công ty ở An Giang đến cảng Cát Lái hay Tân Sơn Nhất, so với từ Nam Định đến cảng Hải Phòng hay Nội Bài cũng khá tương đồng. Các công ty vận tải không đưa ra đơn giá cao hơn, chỉ mất thời gian đi dài hơn chút", ông Nguyễn Hào Kiệt, Giám đốc Vận hành Công ty Công nghệ May mặc Spectre Việt Nam, cho biết.

Sức tăng trưởng dịch vụ logistics tại miền Tây cũng tích cực, riêng thành phố Cần Thơ đạt mức tăng 10 - 15%/năm.

Dù vậy giới chuyên gia đánh giá, hệ thống kho bãi, hậu cần logistics vẫn chưa được đầu tư tương xứng, phần nào phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp. Để phát huy tối đa hiệu quả của các tuyến cao tốc, những nhóm giải pháp khác cũng cần được triển khai.

"Để đồng bộ và hiệu quả, chúng ta cần phải đầu tư thêm các trung tâm logistics tại khu vực ĐBSCL, để xử lý hàng hóa tại nguồn, nâng cao chất lượng sản phẩm trước đi đưa vào quá trình vận tải. Nếu chúng ta khai thác vận tải đường thủy nội địa cũng là cách cắt giảm chi phí, như cách các nước tiên tiến có chi phí cạnh tranh, họ cũng đều khai thác đường thủy, đường sắt", ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam, nhận định.

Mặc dù ĐBSCL có khoảng 23.000 km có khả năng khai thác vận tải thủy, tuy nhiên theo Hiệp hội Logistics Việt Nam, chỉ khoảng 10% hàng hóa qua khu vực là được vận chuyển bằng đường thủy.

Hai thập niên trước, ĐBSCL còn đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước, đến nay, tỷ trọng này chỉ còn 12%. Điều này cho thấy, ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức về tăng trưởng. Sự nhanh chóng vào cuộc của Chính phủ, bộ, ngành giải quyết "điểm nghẽn" liên kết hạ tầng giao thông kỳ vọng sẽ giúp khu vực này tạo được lợi thế, khai thác tối đa tiềm lực kinh tế, đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng chung của nền kinh tế trong thời gian tới.

Hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển vùng ĐBSCL Hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển vùng ĐBSCL

VTV.vn - Với các dự án giao thông được triển khai, đây sẽ là cơ sở để ĐBSCL phát huy lợi thế, khai phá tiềm năng, phát huy nguồn lực để đạt tốc độ tăng trưởng cao thời gian tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.