Những năm gần đây, hoạt động của nhiều doanh nghiệp nội địa, kể cả nhiều công ty kinh doanh hàng tiêu dùng như Tân Hiệp Phát đối đầu với nhiều khó khăn bởi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu. Đại diện của Tân Hiệp Phát, ông Phạm Lê Tấn Phong cho biết: “Tăng trưởng doanh số bán hàng của công ty kinh doanh đồ uống không cồn giảm từ mức 20% xuống chỉ còn chưa đầy 10%. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp phải đối đầu với sự cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp đa quốc gia”.
Việc tham dự hội chợ mang đến cơ hội tốt cho Tân Hiệp Phát tìm kiếm thêm bạn hàng mới để mở rộng thị trường xuất khẩu ra ngoài thị trường truyền thống hiện nay của công ty như Singapore, Thái Lan.
Còn đối với doanh nghiệp xúc xích Baron đến từ Slovakia, việc tham dự hội chợ giúp họ được tiếp cận trực tiếp và nắm được khẩu vị, thị hiếu của khách hàng bởi thị trường xúc xích Việt Nam được nhiều doanh nghiệp đánh giá là thực sự có tiềm năng. “Chúng tôi có kế hoạch mở một nhà máy với tổng số vốn đầu tư 15 triệu USD, sử dụng khoảng 300 lao động, sản xuất khoảng 50 tấn xúc xích/ngày”, ông Anton Fabus, Giám đốc công ty xúc xích Baron, Slovakia chia sẻ.
Đại diện doanh nghiệp đặc biệt đánh giá cao tiềm năng tiêu dùng sản phẩm xúc xích của người Việt Nam, bởi tỷ lệ tiêu thụ xúc xích bình quân của người Việt Nam hiện mới chỉ bằng 1/6 so với nhiều nước láng giềng như Trung Quốc. Doanh nghiệp vẫn sẵn sàng đầu tư bởi họ biết rằng, mức tăng lương lao động tại Việt Nam những năm gần đây đều trên 10% và có lúc lên đến 20%.
Hội chợ lần này có sự tham dự đông đảo của các doanh nghiệp Slovakia, doanh nghiệp Slovakia đang đặc biệt quan tâm đến thị trường Việt Nam. Tiềm năng thương mại song phương giữa Việt Nam và Slovakia được đánh giá là rất lớn.
Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng bộ Công Thương cho biết: “Tôi đánh giá cao tiềm năng thương mại song phương giữa Slovakia và Việt Nam. Hiệp định thương mại song phương FTA giữa Việt Nam và Slovakia đang được bàn thảo và sẽ có được trong tương lai không xa”.
Thứ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đưa ra một số loại hàng hóa mà thị trường Slovakia đang cần như máy móc chế tạo, thực phẩm, hàng tiêu dùng… Dù vậy, Thứ trưởng cũng có chỉ ra một số yếu điểm mà hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cần phải đáp ứng như hàng hóa có hàm lượng chế biến chưa cao, chất lượng hàng hóa còn thiếu đồng đều… Nếu khắc phục được thì doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tiếp cận tốt với thị trường Slovakia, mà còn cả thị trường khác tại châu Âu khó tính.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.