Đối thoại hợp tác công tư Việt Nam-Nhật Bản

Nguyễn Trung

21/03/2013 16:35 GMT+7

Sáng 21/3, tại Hà Nội, đã diễn ra đối thoại cấp cao lần thứ nhất về thúc đẩy các dự án đối tác công tư tại Việt Nam giữa Bộ kế hoạch và đầu tư và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng và y tế, giáo dục ở Việt Nam trong 10 năm tới khoảng 150-160 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước rất hạn chế nên việc huy động nguồn vốn tư nhân thông qua hợp tác công tư là rất quan trọng.

Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất, có hoạt động thương mại lớn nhất và đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam là nước đứng thứ 5 trên thế giới về đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản, mục tiêu của đối thoại lần này nhằm thảo luận hình thành các dự án tại Việt Nam có tính khả thi cao, đáng tin cậy và có thể vay vốn ngân hàng. Hợp tác thúc đẩy các dự án với việc nghiên cứu tham khảo các dự án điển hình.

Đại diện phía Ngân hàng phát triển Nhật Bản khẳng định, sẽ khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào các công trình hạ tầng cơ sở của Việt Nam, góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hợp tác công tư trong xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng đã trở nên hết sức cấp thiết với Chính phủ Việt Nam, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản lớn, đó là tâm lý và nhận thức của các cấp, các ngành quen sử dụng vốn ngân sách vào đầu tư hạ tầng mà không chuẩn bị tinh thần hợp tác công tư.

Những dự án có tính thương mại cao, có khả năng thu hồi vốn nhanh cần được thực hiện theo phương thức hợp tác công tư để dẫn dắt các dự án khác làm theo, nhưng đều đã có chủ quản lý nên rất khó thực hiện. Sắp tới Bộ này sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ có nhiều giải pháp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các công trình hạ tầng cơ sở.

Hai bên đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm đẩy nhanh triển khai các dự án hợp tác công tư tại Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.