
Người di cư và người tị nạn đến đảo Lesbos, Hy Lạp bằng xuồng sau khi vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh: AP)
Theo Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, nước này sẽ triển khai hai khinh hạm và một tàu bổ sung ở ngoài khơi vùng biển lãnh thổ Libya để ngăn chặn người di cư.
Phát biểu trong cuộc họp với Tổng thống Hy Lạp Konstantinos Tasoulas, Thủ tướng Mitsotakis cho biết động thái này diễn ra sau cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bộ trưởng nước này vào ngày 22/6.
"Thật không may, chúng tôi đã chứng kiến một số sự cố trong những ngày gần đây, buộc chúng tôi phải hành động theo cách phòng ngừa và răn đe mạnh mẽ hơn" - Thủ tướng Hy Lạp phát biểu.
Tuần trước, Athens đã chứng kiến sự gia tăng đột biến về số lượng người di cư tới Hy Lạp. Theo đó, 731 người di cư - bao gồm nhiều trẻ em - đã đến các đảo Crete và Gavdos của Hy Lạp trong vòng 24 giờ. Hầu hết những người di cư đến từ Ai Cập, Eritrea, Pakistan và Sudan và đã khởi hành từ Libya.
Thủ tướng Mitsotakis cho biết việc triển khai tàu khu trục ngoài khơi Libya sẽ được thực hiện như một biện pháp phòng ngừa và luôn hợp tác với chính quyền Libya cùng các cường quốc châu Âu khác. Động thái này nhằm gửi đi thông điệp rằng "những kẻ buôn người di cư sẽ không kiểm soát những người nhập cảnh vào đất nước chúng ta".

Người di cư bơi đến đảo Lesbos, Hy Lạp sau khi tàu chở họ bị chết máy khi vượt biển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Hy Lạp (Ảnh: AP)
"Tôi nghĩ rằng đây là một động thái bắt buộc trong hoàn cảnh hiện tại. Và tôi sẽ nêu vấn đề Libya tại Hội đồng châu Âu vào ngày 26/6. Tôi hy vọng rằng sẽ có những kết luận có liên quan bao quát đầy đủ về lập trường của Hy Lạp" - ông nói thêm.
Lượng người di cư đến Athens tăng vọt vào năm 2024, với hơn 60.000 người di cư đổ bộ vào Hy Lạp, phần lớn bằng đường biển, so với khoảng 48.000 người vào năm 2023 - theo dữ liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR).
Tính đến giữa tháng 6/2025, Hy Lạp đã ghi nhận 16.290 lượt người di cư đến nước này, trong đó hơn 14.600 người là bằng đường biển.
Trong khi chính quyền Hy Lạp tăng cường tuần tra dọc theo biên giới hàng hải phía Đông với Thổ Nhĩ Kỳ, những kẻ buôn người dường như ngày càng lựa chọn tuyến đường dài hơn và nguy hiểm hơn qua Địa Trung Hải từ Bắc Phi, sử dụng những chiếc thuyền lớn hơn có khả năng chở nhiều người hơn.
Hy Lạp là cửa ngõ được ưa chuộng vào Liên minh châu Âu đối với những người di cư và tị nạn từ Trung Đông, châu Phi và châu Á kể từ năm 2015, khi gần 1 triệu người đổ bộ lên các đảo của nước này. Thực trạng trên đã gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có. Kể từ đó, dòng người di cư từ Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đáng kể.
Trong những năm gần đây, Hy Lạp đã chứng kiến sự gia tăng lượng người di cư đến từ Libya - bao gồm cả công dân Sudan chạy trốn khỏi Ai Cập, cũng như công dân Ai Cập và Bangladesh. Athens và Cairo đã thảo luận về sự gia tăng đột biến của dòng người di cư.
Hy Lạp và Libya đã nỗ lực hàn gắn mối quan hệ căng thẳng do một hiệp định được ký kết vào năm 2019 giữa chính phủ Libya và Thổ Nhĩ Kỳ.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.