
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó (Ảnh: AP)
Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hungary Péter Szijjártó, động thái này là để đáp trả kế hoạch RePowerEU của Ủy ban Châu Âu nhằm mục đích chấm dứt mọi hoạt động nhập khẩu năng lượng từ Nga.
"Hôm nay, chúng tôi được yêu cầu đưa ra một gói trừng phạt mạnh mẽ, toàn diện và nghiêm khắc nhất có thể đối với ngành năng lượng Nga. Tuy nhiên, Hungary cùng với Slovakia đã ngăn chặn việc thông qua gói trừng phạt này. Chúng tôi làm như vậy vì song song với lệnh trừng phạt Nga này, EU muốn cấm các quốc gia thành viên - gồm cả Hungary và Slovakia - mua khí đốt tự nhiên giá rẻ và dầu thô giá rẻ của Nga, như chúng tôi đã làm cho đến nay" - ông Szijjártó cho biết.
Việc thông qua gói trừng phạt không nằm trong chương trình nghị sự chính thức trong cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao EU, mặc dù đã có những can thiệp và tuyên bố chính trị về vấn đề này. Một cuộc bỏ phiếu quan trọng về gói trừng phạt sẽ diễn ra tại cuộc họp của các đại sứ tại Brussels, Bỉ. Tại cuộc họp báo bế mạc, Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Kaja Kallas cho biết họ đang đặt mục tiêu thông qua gói trừng phạt mới vào cuối tuần này.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hungary lập luận rằng đề xuất của Brussels về việc cắt giảm nhập khẩu khí đốt và dầu từ Nga sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nước này và Slovakia.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico (trái) bắt tay Thủ tướng Hungary Orban (Ảnh: Military Review)
"Đề xuất này sẽ phá hủy an ninh năng lượng của Hungary, khiến chúng tôi phụ thuộc nghiêm trọng vào trợ cấp năng lượng. Với đề xuất này, chi phí tiện ích mà các gia đình Hungary phải trả sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba" - Bộ trưởng Péter Szijjártó nói thêm.
Theo ông Szijjártó, vào năm 2022, khi EU ban hành lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, cả Slovakia và Hungary đều phải đàm phán để được miễn khỏi lệnh cấm này. Trong khi đó, theo thủ tục mà Ủy ban châu Âu thực hiện kế hoạch REpowerEU, không quốc gia thành viên nào có cơ hội phủ quyết.
Kế hoạch của Ủy ban châu Âu sẽ dần loại bỏ nhập khẩu năng lượng từ Nga vào năm 2027. Theo Ủy ban châu Âu, điều này sẽ chấm dứt sự phụ thuộc của EU vào nhiên liệu hóa thạch của Nga và cuối cùng sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh.
"Nga đã nhiều lần cố gắng gây áp lực bằng cách vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng của nước này. Chúng tôi đã thực hiện các bước rõ ràng để 'khóa vòi' nguồn cung và chấm dứt kỷ nguyên nhiên liệu hóa thạch của Nga tại châu Âu mãi mãi" - Chủ tịch Ủy ban Ursula von der Leyen cho biết khi thông báo về đề xuất.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.