
Hàng không Việt trước bài toán bay xanh và chi phí

Từ năm 2026, Việt Nam sẽ tham gia cơ chế bù đắp carbon hàng không.
Tham gia CORSIA: Bước đi tất yếu
Cục Hàng không Việt Nam đã đề xuất Bộ Xây dựng cho phép thông báo với Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) về việc Việt Nam sẽ tham gia cơ chế CORSIA từ ngày 1/1/2026. Đây là bước đi phù hợp với định hướng phát triển hàng không xanh bền vững của Chính phủ và thể hiện cam kết quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trước đó, Cục Hàng không đã triển khai hệ thống giám sát – báo cáo – thẩm tra (MRV) phát thải CO₂ cho các chuyến bay quốc tế từ năm 2019 đến 2024 và hoàn thành việc gửi dữ liệu cho ICAO. Đồng thời, đơn vị này cũng nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là các chính sách của EU về nhiên liệu và tín chỉ carbon để xây dựng khung pháp lý trong nước.
CORSIA là cơ chế do ICAO khởi xướng từ năm 2016 nhằm bù đắp lượng khí thải tăng thêm trong hàng không quốc tế thông qua thị trường tín chỉ carbon. Giai đoạn tự nguyện kéo dài đến hết năm 2026 trước khi chuyển sang giai đoạn bắt buộc từ năm 2027.
Chi phí carbon: Gánh nặng tài chính cho hãng bay
Việc tham gia CORSIA, dù là tự nguyện hay bắt buộc, sẽ kéo theo chi phí đáng kể cho các hãng hàng không. Theo tính toán sơ bộ, Vietnam Airlines – hãng bay quốc gia – có thể phải chi từ 13 đến 92 triệu USD giai đoạn 2024–2026 để mua tín chỉ carbon, tùy thuộc vào giá thị trường (6–40 USD/tín chỉ). Riêng năm 2026, chi phí này ước tính từ 5,6 triệu USD đến 37,5 triệu USD.
Không chỉ chi phí carbon, các hãng còn đối mặt với bài toán chuyển đổi sang sử dụng SAF – yếu tố then chốt trong lộ trình phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050. Tuy nhiên, SAF hiện có giá cao gấp 2–6 lần so với nhiên liệu truyền thống Jet A1, trong khi nguồn cung toàn cầu mới đáp ứng được 0,1% nhu cầu.
Các chuyên gia cảnh báo, chi phí carbon và nhiên liệu sạch sẽ tác động trực tiếp đến giá vé máy bay, chi phí dịch vụ và khả năng cạnh tranh của các hãng hàng không Việt trong khu vực.
Nhiều thách thức và khó khăn cho ngành hàng không Việt Nam
Các hãng hàng không Việt Nam là đối tượng chịu tác động trực tiếp từ việc thực hiện CORSIA bao gồm cả ở giai đoạn tự nguyện và bắt buộc. Việc tham gia Corsia từ giai đoạn tự nguyện sẽ khiến các hãng hàng không Việt Nam đứng trước nhiều thách thức, khó khăn.

Mục tiêu hướng đến của ngành hàng không là sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững.
Theo tính toán sơ bộ, khi tham gia giai đoạn tự nguyện từ 2024 tới hết năm 2026, Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ phải bỏ ra từ 13 triệu USD đến hơn 92 triệu USD (tương ứng với mức giá 6-40 USD/1 tín chỉ) để mua tín chỉ carbon.
Nếu tham gia giai đoạn tự nguyện từ năm nay, Vietnam Airlines phải bỏ ra mức phí từ 4,6 triệu USD đến 31 triệu USD cho việc mua tín chỉ carbon. Trong năm 2026, các con số tương ứng sẽ là 5,6 triệu USD và 37,5 triệu USD...
Các con số này cho thấy những khó khăn, thách thức rất lớn về tài chính đối với các Hãng hàng không Việt Nam nếu như tham gia giai đoạn tự nguyện của Corsia sớm hơn dù chỉ 1 năm.
Việc tham gia CORSIA khá tốn kém đối với các hãng hàng không nên ICAO cũng đã chia ra các giai đoạn tự nguyện và bắt buộc để các hãng hàng không dần thích ứng với việc tham gia và một trong số đó, có nội dung rất quan trọng là gánh nặng về tài chính đối với các hãng hàng không.
Theo chuyên gia hàng không, mua tín chỉ carbon về bản chất vẫn là thải carbon ra môi trường, vì vậy mục tiêu hướng đến của ngành hàng không là sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
SAF được đánh giá là có tiềm năng lớn nhất trong việc giảm lượng khí thải CO2 từ các hoạt động hàng không để đáp ứng cam kết của ngành hàng không phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 của Hàng không thế giới và hàng không Việt Nam do các giải pháp khác như máy bay động cơ điện hiện tại chưa khả thi do mật độ năng lượng của loại pin tốt nhất hiện nay chỉ là 700wh/kg, trong khi đó Jet A1 là 12000 wh/kg.
Tuy nhiên, giá thành của SAF rất cao, gấp từ 2 cho tới 6 lần nhiên liệu truyền thống JET A1 với nguồn cung hạn chế, hiện nay mới đáp ứng 0,1% nhu cầu của các hãng hàng không toàn cầu.
Vì vậy, chuyên gia hàng không cũng đặt ra lo ngại, giá thành SAF cao, cùng với việc tham gia CORSIA khá tốn kém sẽ đẩy giá vé máy bay và dịch vụ hàng không tăng theo.
Về phía Vietnam Airlines, không đợi đến khi CORSIA chính thức áp dụng, Vietnam Airlines đã chủ động chuyển mình. Từ tháng 5/2024, hãng đã tạo dấu mốc lịch sử khi vận hành thành công chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng SAF trên hành trình từ Singapore về Hà Nội – mở màn cho xu thế bay xanh tại Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 5/6/2025, hãng triển khai đồng loạt 6 chuyến bay nội địa từ Đà Nẵng đi TP.HCM và Hà Nội, tất cả đều sử dụng SAF, chứng minh khả năng tích hợp nhiên liệu bền vững vào mạng bay thường nhật.
Với lộ trình đầy tham vọng, từ năm 2025, toàn bộ các chuyến bay khởi hành từ châu Âu của hãng sẽ sử dụng SAF với tỷ lệ tối thiểu 2%. Con số này sẽ tăng lên 6% vào năm 2030, 20% vào năm 2035 và đạt 70% vào năm 2050. Tại Anh, nơi áp lực khí thải cao hơn, hãng đặt mục tiêu đạt 10% vào năm 2030 và 22% vào năm 2040 – thể hiện tầm nhìn dài hạn và cam kết bền vững.
Ngoài ra, không chỉ dựa vào nguồn nhiên liệu nhập khẩu, Vietnam Airlines đang cùng các đối tác trong nước tạo dựng chuỗi cung ứng SAF nội địa.
Ngày 4/6/2025, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) công bố lô nhiên liệu SAF thương mại đầu tiên, được sản xuất từ xăng máy bay Jet A-1 pha trộn với nguyên liệu sinh học. Đối tác tiếp nhận là Skypec – nhà cung cấp nhiên liệu của Vietnam Airlines – trực tiếp sử dụng cho các chuyến bay xanh, giúp giảm sự lệ thuộc vào nhập khẩu và kiểm soát chi phí tốt hơn trong dài hạn.
Từ góc nhìn chiến lược, "bay xanh" không chỉ là trách nhiệm môi trường, mà còn là yếu tố cạnh tranh sống còn trong tương lai ngành hàng không Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa tham vọng này, các hãng bay không thể đi một mình – họ cần một hệ sinh thái hỗ trợ từ chính sách, tài chính đến hạ tầng kỹ thuật.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.