Hà Nội xử lý hơn 2.000 vụ buôn lậu, hàng giả trong 6 tháng đầu năm

P.V

09/07/2025 16:21 GMT+7

Ban chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội thông tin, nhằm ngăn chặn hoạt động buôn lậu, sản xuất tiêu thụ hàng giả, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã kiểm tra 2.176 vụ, qua đó, phát hiện, xử lý 2.068 vụ vi buôn lậu, sản xuất hàng giả.

Hàng nghìn sản phẩm nước hoa, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: TTXVN

Hàng nghìn sản phẩm nước hoa, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: TTXVN

Trong đó, có 771 vụ hàng nhập lậu, 718 vụ hàng giả và 251 vụ kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc. Điển hình như ngày 12/6/2025, Đội Quản lý thị trường số 14 thuộc Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra Cơ sở kinh doanh giày dép thuộc hộ kinh doanh Tùng Moscow, có địa chỉ tại số 137 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, do ông Phạm Đình Đức làm chủ hộ kinh doanh.

Tại thời điểm kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 14 phát hiện cơ sở đang kinh doanh 426 đôi giày mang các nhãn hiệu nổi tiếng như Adidas, Nike, Louis Vuitton, Prada, Burberry, Valentino có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam. Tổng trị giá của số hàng hóa này, tính theo giá niêm yết tại cửa hàng hơn 179 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, lực lượng chức năng còn phát hiện 2.144 sản phẩm giày dép các loại do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa, với giá trị hơn 2,25 tỷ đồng. Tổng cộng, số lượng hàng hóa có dấu hiệu vi phạm bị phát hiện trong đợt kiểm tra là 2.570 sản phẩm, với tổng trị giá theo niêm yết lên tới hơn 2,43 tỷ đồng.

Thương mại điện tử tiếp tục là điểm nóng với 72 vụ vi phạm trong 6 tháng, riêng tháng 6 là 33 vụ. Hành vi phổ biến là kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm và phụ kiện không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, 23 vụ buôn bán thuốc lá nhập lậu và 7 vụ liên quan đến khí N2O (bóng cười) cũng đã bị lực lượng chức năng xử lý. Số tiền thu nộp ngân sách từ xử phạt và tịch thu, tiêu hủy hàng vi phạm đạt hơn 88,2 tỷ đồng.

Triển khai "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" năm 2025, các lực lượng chức năng như Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Công an thành phố Hà Nội phát hiện, bắt giữ xử lý 98 vụ, tang vật lên tới gần 51.000 đơn vị sản phẩm như bánh, kẹo, thực phẩm đông lạnh, nấm, tương ớt... Tổng số tiền phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng. Điển hình như phát hiện 14.196 con gà đông lạnh nguyên con và 560 kg nội tạng gà đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và thương mại thực phẩm Xuân Thắng.

Tiếp đó, vào hồi 19 giờ 35 phút ngày 24/5/2025, Đội Quản lý thị trường số 19, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội đã phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường, Công an thành phố Hà Nội, tiến hành khám phương tiện vận tải là ô tô tải mang biển kiểm soát số 29H-363.XX do ông Lại Văn Sâm là người điều khiển.

Qua quá trình khám phương tiện Đội Quản lý thị trường số 19 phát hiện, trong thùng xe có chứa 1.400 kg chân gà chiên, được đóng gói trong 50 bao tải dứa (mỗi bao nặng 28 kg). Toàn bộ số hàng hóa này không có thông tin về nơi sản xuất hoặc xuất xứ, không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Lực lượng chức năng đã thu giữ toàn bộ số hàng trên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Dự báo những tháng cuối năm 2025, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong đó, nổi lên hiện tượng vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không, lợi dụng hoạt động kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử, lợi dụng chuyển phát nhanh để vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc...

Nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tiếp tục triển khai Kế hoạch số 04/KH-QLTT cho 6 tháng cuối năm, đồng thời thực hiện nghiêm các chỉ thị, công điện của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, tập trung kiểm tra các nhóm hàng phục vụ mùa hè và Tết Trung thu, riêng mặt hàng bánh kẹo, nước giải khát, rượu bia… sẽ lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng, qua đó, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Dương Mạnh Hùng cho biết: "Toàn lực lượng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, tiếp tục siết chặt kiểm tra, theo dõi sát diễn biến địa bàn, không để phát sinh "điểm nóng" về hàng lậu, hàng giả và hàng cấm. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm trên không gian mạng nhằm giữ vững ổn định thị trường, đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô bền vững, minh bạch và an toàn".


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.