Góc tối của thói quen dùng nội dung lậu

Ban Thời sự

26/06/2025 14:48 GMT+7

Câu chuyện vi phạm bản quyền trên Internet không chỉ là vấn đề pháp lý hay công nghệ mà là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân trong thời đại số.

Từ sách, phim cho đến âm nhạc, hình ảnh, hiện nay nhiều nội dung sáng tạo đang bị sao chép, chia sẻ trái phép tràn lan trên môi trường số. Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ ba trong khu vực châu Á Thái Bình Dương về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với khoảng 15.5 triệu lượt người thường xuyên truy cập các trang web chứa nội dung lậu. Theo thống kê, năm 2024, hơn 400 website có dấu hiệu vi phạm bản quyền. Vi phạm bản quyền không chỉ là câu chuyện pháp lý mà đang gióng lên hồi chuông báo động về ý thức văn hóa trong xã hội số.

Trong thời đại số, khi một bức ảnh, bài hát hay tác phẩm nghệ thuật chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể bị sao chép và lan truyền tràn lan, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ, nhiếp ảnh gia đã trở thành nạn nhân của nạn vi phạm bản quyền. Công sức sáng tạo, thời gian lao động và giá trị tinh thần mà họ dồn tâm huyết đều có thể bị đánh cắp dễ dàng, không được tôn trọng cũng như không nhận lại được quyền lợi xứng đáng. Không ít người phải đối mặt với thiệt hại kinh tế, thậm chí mất đi cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Ca sĩ Khắc việt cũng là một trong những nạn nhân của video giả mạo, cắt ghép giọng nói và gương mặt bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo, nhằm mục đích quảng bá cho các hình thức cờ bạc trái phép. Ngay khi video giả mạo này xuất hiện, nam ca sĩ đã phải lập tức lên tiếng để tránh những hiểu nhầm. “Tâm lý đầu tiên khi họ chạm vào những video ấy là có một ấn tượng xấu, dù sau này có thể giải thích, thanh minh hay có những biện pháp thông báo thì ấn tượng xấu cũng đã lan truyền trong cộng đồng, nhất là với những người chưa có sự chọn lọc và sàng lọc thông tin chuẩn xác, họ rất dễ tin vào những sự việc như vậy. Đó là một hình ảnh rất là xấu mà nghệ sĩ bị ảnh hưởng”, ca sĩ Khắc Việt chia sẻ.

Theo báo cáo của Media Partner Asia, số lượng người dùng các nội dung vi phạm bản quyền năm 2022 là 15.5 triệu người, làm thất thoát 348 triệu USD. Nếu không kiểm soát được tình hình này, đến năm 2027, số người dùng vi phạm bản quyền có thể tăng tới 19.5 triệu, dẫn tới lượng doanh thu bị thất thoát ở mức 456 triệu USD. Việc truy cập và sử dụng các website lậu vi phạm bản quyền không chỉ là hành vi tiếp tay cho cái sai mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho chính người dùng.

Câu chuyện vi phạm bản quyền trên Internet không chỉ là vấn đề pháp lý hay công nghệ mà là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhận thức, hành vi của mỗi cá nhân trong thời đại số. Cái giá phải trả có thể là mất tiền hay dữ liệu cá nhân, đồng thời cũng đánh mất niềm tin công bằng và động lực sáng tạo trong xã hội. Mỗi lần truy cập web ghép lậu là một lần tiếp tay cho cái sai, gián tiếp đẩy lùi những giá trị văn minh mà chúng ta đang theo đuổi. Muốn xây dựng một môi trường số an toàn, minh bạch và tôn trọng chất xám, muốn thúc đẩy công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo, không thể thiếu sự thay đổi từ chính người dùng. Một lựa chọn đúng sẽ góp phần giữ gìn không gian văn hóa số lành mạnh và bền vững.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.