
Ảnh minh họa.
Lúc 13h35 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng nhẹ 10 xu lên 66,84 USD/thùng; dầu WTI tăng 9 xu lên 65,20 USD/thùng.
Vào hôm 30/6, hàng loạt các trang báo đã đưa tin về khả năng tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 8 của OPEC+ với mức tăng dự kiến 411.000 thùng/ngày. Nếu kế hoạch này được thông qua tại cuộc họp của nhóm OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 6/7 tới, tổng mức tăng sản lượng của khối này kể từ đầu năm 2025 sẽ đạt 1,78 triệu thùng/ngày, tương đương hơn 1,5% tổng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.
Bên cạnh đó, áp lực nguồn cung trên thị trường còn gia tăng từ phía Mỹ. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố ngày hôm qua, sản lượng dầu thô của Mỹ trong tháng 4 đã đạt 13,47 triệu thùng/ngày, tăng thêm 20.000 thùng/ngày so với tháng trước đó.
Giá dầu cũng đang phần nào được kìm hãm nhờ những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô Trung Quốc. Theo số liệu vừa được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, các chỉ số PMI trong tháng 6 đều ghi nhận mức tăng nhẹ, qua đó củng cố triển vọng phục hồi nhu cầu năng lượng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trong khi đó, khí tự nhiên là mặt hàng ghi nhận mức giảm mạnh nhất. Trong phiên giao dịch hôm 30/6, giá hợp đồng khí tự nhiên được niêm yết trên sàn NYMEX hợp đồng tháng 8 lao dốc tới 7,57%, xuống còn 3,46 USD/MMBtu. Áp lực giảm giá chủ yếu đến từ lượng tồn kho tại Mỹ liên tục gia tăng kể từ tháng 3, cùng với đó là triển vọng nhu cầu tiêu thụ điện suy yếu do dự báo thời tiết sẽ dịu mát hơn trong thời gian tới, kéo theo nhu cầu đầu vào của các nhà máy điện giảm.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.