
(Ảnh minh họa: Belga)
Theo quyết định tại Hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ), các lệnh trừng phạt Nga liên quan tới xung đột Nga - Ukraine - bao gồm việc đóng băng hơn 200 tỷ Euro (234 tỷ USD) tài sản của Ngân hàng trung ương Nga - sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến ít nhất là đầu năm 2026.
Quyết định trên được đưa ra sau khi các quan chức EU cho biết họ đang chuẩn bị các kế hoạch dự phòng để duy trì lệnh trừng phạt kinh tế của khối đối với Nga trong trường hợp Thủ tướng Hungary Viktor Orban từ chối nhượng bộ.
Các đối tác EU lo ngại rằng việc Hungary từ chối gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga có thể tạo ra một lỗ hổng lớn trong đòn bẩy mà khối này nắm giữ đối với Nga, trong bối cảnh Mỹ thúc đẩy các nỗ lực hòa bình.
Thủ tướng Orban từng đưa ra quyết định phản đối kéo dài lệnh trừng phạt Nga, lần gần nhất vào tháng 1.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico (trái) và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán bắt tay nhau trong cuộc gặp tại Budapest, ngày 16/1/2024. (Ảnh: TASR)
Tuy nhiên, trong khi EU đảm bảo các biện pháp hiện tại của khối sẽ vẫn được áp dụng, họ đã không nhận được sự chấp thuận về một gói trừng phạt mới do sự cản trở của Slovakia và Hungary.
Thủ tướng Slovakia Roberto Fico đã từ chối "bật đèn xanh" cho gói trừng phạt Nga mới tại Hội nghị thượng đỉnh EU do bất đồng với Brussels về kế hoạch Liên minh châu Âu cắt giảm nhập khẩu khí đốt của Nga vào cuối năm 2027. Slovakia vẫn phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga và thu phí đối với các nguồn cung cấp nhiên liệu được trung chuyển qua lãnh thổ của nước này.
Ông Fico đã có cuộc hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu EU Ursula von der Leyen vào ngày 26/6, nhưng không đạt được những nhượng bộ mà ông mong muốn. Thủ tướng Slovakia tuyên bố sẽ hoãn việc phê duyệt gói trừng phạt Nga.
Trong một bài phát biểu qua video, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thúc giục các nhà lãnh đạo EU thông qua gói trừng phạt mạnh mẽ nhắm vào hoạt động thương mại dầu mỏ của Nga, đội tàu chở dầu bí mật, các ngân hàng và chuỗi cung ứng thiết bị hoặc phụ tùng để chế tạo vũ khí.
Tuy nhiên, các quan chức EU cho biết nỗ lực hạ giá trần đối với xuất khẩu dầu của Nga đã bị gác lại, sau khi Mỹ không ủng hộ nỗ lực này.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.