Nếu như bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong dịp năm mới ở các tỉnh phía Bắc thì bánh tét chính là sản vật đại diện cho ẩm thực Tết cổ truyền của người dân phương Nam.
Thông thường, cứ chiều 30 Tết gói bánh thì sáng sớm, các cô, các chị bắt đầu ra vườn rọc lá. Lá chuối lành phơi cho dẻo tầm một nắng thì khi gói bánh mới đẹp, giữ trọn mùi vị sản vật quê nhà.
Ngày nay, nguyên liệu gói bánh tét đa dạng nhưng gói kiểu đúng chất nông dân xưa không thể thiếu gạo nếp, đậu xanh, mỡ thịt lợn. Để bánh mau chín, béo thơm, trước lúc gói nhất định phải xào nếp với nước cốt dừa cho đến khi kéo nhựa.
Người ta thường nói, bánh tét không chỉ là biểu tượng của nghề trồng lúa, của những cái Tết nghĩa tình mà ở đó còn thể hiện sự sáng tạo của người xưa trong ẩm thực.
Người dân miền Tây gói bánh là gói ghém thành quả lao động suốt một năm dài thành món bánh biểu trưng tinh hoa đất trời dâng cúng tổ tiên. Nhà khá giả thì nấu riêng một nồi. Lúc khó khăn, chòm xóm cùng ngồi lại thắt chặt mối dây, nấu chung nồi bánh Tết.
Hiểu hết ý nghĩa yên bình, nỗi khổ chia ly nên bánh tét lúc nào cũng được buộc chặt cho có đôi, có cặp. Nồi bánh đón giao thừa của những bà mẹ quê xứ anh hùng này còn gợi lại những cái Tết gói hàng ngàn chiếc bánh nuôi bộ đội. Đôi lúc, khói bếp bất giác làm họ chạnh lòng nhớ về đứa con liệt sĩ. Nhưng bao nhiêu năm, nét truyền thống vẫn giữ, nồi bánh tét luôn làm sống dậy ký ức xuân xưa, những điều đọng nên giá trị của Tết nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.