Hành trình xuyên Việt phản đối việc mua bán thịt chó, mèo

H.M

04/06/2024 11:01 GMT+7

VTV.vn - "Hành trình yêu thương" là hành trình xuyên Việt để truyền tải thông điệp mong muốn sớm chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó, mèo tại Việt Nam.

Tổ chức phúc lợi động vật toàn cầu - FOUR PAWS vừa chính thức khởi động hành trình xuyên Việt mang tên "Hành trình yêu thương" để truyền tải thông điệp mong muốn sớm chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó và mèo tại Việt Nam.

Hành trình xuyên Việt lần này là một trong những hoạt động của tổ chức này để truyền tải thông điệp về sự ủng hộ, mong muốn người dân Việt Nam sớm chấm dứt tình trạng buôn bán thịt chó và mèo.

Chuyến xe hành trình được trang bị màn hình LED lớn, khởi hành từ TP Hồ Chí Minh từ ngày 31/5-1/6, tới Đà Nẵng vào ngày 2/6 và sẽ đến Hà Nội vào ngày 7-8/6. Trong hành trình xuyên Việt và tại các điểm dừng, bằng thông điệp và hình ảnh trình chiếu trên màn LED, tổ chức FOUR PAWS mong muốn nâng cao nhận thức của người dân về những vấn đề do việc buôn bán thịt chó, mèo gây ra; kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng để sớm chấm dứt tình trạng này.

Theo một khảo sát được thực hiện vào đầu năm 2021 ở Việt Nam, 91% số người tham gia khảo sát phản đối việc buôn bán thịt chó và mèo. Ngoài ra, 95% cho rằng việc tiêu thị việc chó, mèo không phải là một phần văn hóa Việt Nam.

Hành trình xuyên Việt phản đối việc mua bán thịt chó, mèo - Ảnh 1.

Chiếc xe hành trình xuyên Việt với thông điệp phản đối mua bán thịt chó, mèo di chuyển trên đường phố tại TP Đà Nẵng.

Anh Bùi Lăng Phong, một người dân tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ: "Chó, mèo là động vật trung thành. Trong thời đại này, tôi mong muốn vấn đề này sớm chấm dứt". Anh Phong cũng đề cập đến tính nhân đạo của việc không ăn thịt chó, mèo, đồng thời, cho rằng ăn thịt chó,mèo có nguy cơ gây ra cho con người những bệnh nguy hiểm - mà điển hình nhất là bệnh dại".

Hàng năm, ước tính có hơn 6 triệu cá thể chó và mèo bị bắt, vận chuyển và giết mổ để lấy thịt ở Việt Nam. Phần lớn những con vật này là thú cưng hoặc động vật bị đánh cắp trong cộng đồng, và động vật đi lạc được bắt từ đường phố để cung cấp cho hoạt động buôn bán. Với quy mô lớn và những hệ luỵ xã hội liên quan, hoạt động buôn bán thịt chó, mèo đã trở thành một trong những vấn đề nghiêm trọng về phúc lợi động vật đồng hành ở châu Á nói riêng và toàn thế giới nói chung. Ngoài ra, hệ lụy là còn có những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe – với mối liên hệ giữa việc buôn bán thịt chó, mèo và bệnh dại, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để sản sinh ra các dịch bệnh.

Hành trình của FOUR PAWS nhận được sự ủng hộ của người dân Việt Nam và du khách quốc tế.

Bà Phan Thanh Dung, một nhà đồng hành của chiến dịch xuyên Việt lần này, chia sẻ: "Đây là chuyến xe hành trình đầu tiên của chúng tôi ở cả ba miền Việt Nam nhằm truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng về những hệ luỵ của hoạt động buôn bán thịt chó, mèo, bao gồm các vấn đề liên quan đến bệnh dịch, phúc lợi động vật, các căng thẳng xã hội…

"Trong hành trình này, chúng tôi đã nhận được sự quan tâm và chia sẻ của đông đảo người dân, phần lớn đều bày tỏ bức xúc khi chính họ bị mất đi vật nuôi – người bạn đồng hành thân thiết của mình vào tay những kẻ trộm chó,mèo; và mong muốn sớm có những luật định cụ thể để cấm hoàn toàn việc buôn bán này. Chúng tôi cũng nhận định đây là thời điểm cần phải hành động ngay, đặc biệt là khi tình hình bệnh dại đang gia tăng trên cả nước. Từ đầu năm 2024 đến nay đã có 27 trường hợp bệnh dại tử vong, tăng 16 ca so với cùng kỳ năm 2023. Việc Hàn Quốc đã thông qua luật cấm buôn bán, tiêu thụ thịt chó đầu năm nay, cùng với việc Hội An đã đóng cửa một trong ba nhà hàng thịt chó lâu đời nhất trên địa bàn thành phố, cũng là những động lực để mong muốn chấm dứt hoạt động buôn bán thịt chó, mèo sớm thành hiện thực tại Việt Nam".

Trước đó, chiến dịch của FOUR PAWS đã thu thập được hơn 33.000 thông điệp của người dân gửi tới Phó Thủ tướng Chính phủ, 24.000 du khách quốc tế gửi thư cho Tổng cục Du lịch Việt Nam, 13.500 người trên toàn cầu gửi bưu thiếp kỹ thuật số tới Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch để kiến nghị chấm dứt nạn buôn bán này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.