Doanh nghiệp xuất khẩu “căng sức” vì cước vận tải tăng cao

Ban Thời sự

27/06/2025 15:21 GMT+7

Giá cước vận tải biển tăng vọt, biến động từng ngày buộc doanh nghiệp xuất khẩu phải xoay trục sản xuất, dồn lực giao hàng sớm để tránh đền bù hợp đồng.

Một thách thức với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thời điểm này phải đối mặt chính là giá cước vận tải biển tăng cao, thậm chí biến động theo ngày. Để chủ động thích ứng với tình hình, các doanh nghiệp đã tìm các giải pháp thay thế phương thức vận tải, đẩy nhanh kế hoạch sản xuất để tránh rủi ro đền bù hợp đồng.

Công ty đúc kim loại Kyoyo Việt Nam cho biết đã tổ chức cho người lao động làm thêm 4 tiếng/ngày, huy động nhân viên bố trí làm thêm thứ 7. Doanh nghiệp đang tăng tốc ưu tiên các đơn hàng vận chuyển xa để chủ động kế hoạch giao hàng.

Với các doanh nghiệp dệt may, tính toán phân bổ đơn hàng cũng là trăn trở trong bối cảnh nhiều biến động thị trường. Để tránh rủi ro về giá cước tăng cao, họ phải quản lý chặt chẽ kế hoạch sản xuất, đẩy tiến độ sản xuất nhanh hơn 1 tuần để kịp thời gian giao hàng, phòng trường hợp rủi ro trong quá trình vận chuyển.

Theo các doanh nghiệp vận tải, giá cước tàu biển hiện tại biến động khó đoán, cao điểm chạm mốc 6.000 USD/container 40feet, còn thông thường sẽ ở mức 3.000 USD.

Bộ Công Thương cho biết tình trạng thiếu container ở Việt Nam hiện chưa nghiêm trọng như thời điểm dịch COVID-19, nhưng khá biến động. Ngoài ra, xung đột tại Trung Đông cũng ảnh hưởng đến hoạt động vận tải quốc tế. Trong trường hợp tàu vận tải phải tránh khu vực này và đi vòng qua châu Phi thì chi phí vận chuyển sẽ tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng đến chi phí xuất khẩu sang châu Âu và bờ Đông Hoa Kỳ.

Bộ Công Thương cũng khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu cần đưa các điều khoản về rủi ro khi vận chuyển vào hợp đồng, giá cước vận tải tính theo thời điểm thực tế để tránh thiệt hại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.