
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS), đề xuất tổ chức "Lễ hội Hòa bình" vào dịp 30/4 hàng năm xuất phát từ lợi thế lịch sử - văn hóa của thành phố và hiệu ứng lan tỏa của chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước vào dịp 30/4 vừa qua.

Người dân theo dõi lễ diễu binh diễu hành dịp 30/4.
Trong 5 ngày cao điểm lễ, TP đón gần 1,95 triệu lượt khách, tăng hơn 100% so với cùng kỳ. Trong đó, lượt du khách quốc tế đạt 120.000, gấp đôi so với năm trước. Doanh thu du lịch ước đạt 7.100 tỷ đồng, doanh thu tiêu dùng xã hội toàn thành phố đạt 129.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ.
Từ thực tế trên, HIDS cho rằng việc hình thành một lễ hội hàng năm mang tính biểu tượng sẽ tối ưu hoá lợi thế về lịch sử và văn hóa, đồng thời tăng cường tính kết nối của người dân và lan tỏa thông điếp hòa bình đến bạn bè quốc tế.
Nội dung đề xuất bao gồm tổ chức Lễ hội Hòa bình, diễn ra từ 2 đến 4 tuần, tập trung vào cuối tuần. Các không gian tổ chức trên địa bàn TP và vùng phụ cận như Cần Giờ, Lái Thiêu, Hồ Tràm, Côn Đảo, Vũng Tàu, Bình Dương…
Lễ hội sẽ có hai phần: phần lễ do nhà nước tổ chức (diễu binh, triển lãm, lễ kỷ niệm…), phần hội được xã hội hoá với các chủ đề: văn hóa - nghệ thuật, thể thao, ẩm thực, du lịch trải nghiệm, sáng tạo - công nghệ.
HIDS đề xuất áp dụng mô hình "Nhà nước đặt hàng, doanh nghiệp tổ chức", hướng tới hình thành hình thức xã hội hóa theo tinh thần Nghị quyết 68/NQ-TW, từ đóng góp tài trợ, đồng hành, đến doanh nghiệp đứng ra tổ chức dưới sự giám sát của các cơ quan chính quyền.
Việc tổ chức Lễ hội Hòa bình hàng năm không chỉ là đòn bẩy cho du lịch mà còn hứa hẹn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa và thông điệp hòa bình, xây dựng hình ảnh TP Hồ Chí Minh trở thành "Thành phố Lễ hội" trong khu vực.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.