Đề xuất sử dụng nợ thu hồi của tín dụng chính sách để cho vay nhà ở xã hội

Thùy An

24/06/2025 13:22 GMT+7

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng 6.068,961 tỷ đồng để cho vay các chương trình tín dụng, trong đó có cho vay nhà ở xã hội.

Sáng 24/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc xử lý nguồn thu hồi nợ của các chương trình tín dụng chính sách do ngân sách Nhà nước cấp đã hết thời gian thực hiện tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo đó, từ năm 2008 - 2017, ngân sách Nhà nước đã cấp cho Ngân hàng Chính sách xã hội tổng số tiền 6.068,961 tỷ đồng để thực hiện cho vay 3 nhóm chương trình tín dụng chính sách, gồm: Các chương trình tín dụng chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, cho vay nhà ở và cho vay hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Các chương trình này có thời gian cho vay từ 5 - 15 năm, không bao gồm gia hạn theo quy định của từng chương trình. Theo quy định, thời gian giải ngân đến hết năm 2020; sau năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội có trách nhiệm thu hồi khoản cho vay do đã kết thúc thời gian thực hiện.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, đến 30/4/2025, đã thu hồi được 3.144,499 tỷ đồng và dư nợ còn lại tiếp tục phải thu hồi theo hợp đồng tín dụng đã ký với khách hàng vay vốn là 2.924,462 tỷ đồng (dự kiến thời điểm thu hồi khoản vay cuối cùng là năm 2035, không bao gồm thời gian gia hạn nợ theo quy định).

"Việc triển khai các chương trình trên đã giúp gần 1,1 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được nguồn vốn, gần 400 nghìn lượt đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn để cải thiện cuộc sống, hơn 11.000 người được vay vốn đi xuất khẩu lao động, gần 700.000 lượt khách hàng được vay vốn chương trình nhà ở xã hội với trên 700.000 căn nhà được xây dựng,.; qua đó góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Nhà nước", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhu cầu vốn vay của các chương trình tín dụng chính sách đến hết năm 2025 là tương đối lớn, khoảng 31.727 tỷ đồng, trong đó, nhu cầu về vốn ngân sách Nhà nước cần thiết bố trí cho ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các chương trình tín dụng chính sách khoảng 16.727 tỷ đồng.

Trong đó, cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số 10.727 tỷ đồng, cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2024 của Chính phủ là 6.000 tỷ đồng.

Từ tình hình trên, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội được sử dụng nguồn vốn đã thu hồi và tiếp tục thu hồi trong thời gian tới để cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội tiếp tục sử dụng 6.068,961 tỉ đồng, bao gồm số tiền đã thu hồi nợ đến ngày 30/4/2025 là 3.144,499 tỉ đồng và số tiền tiếp tục thu hồi còn lại là 2.924,462 tỉ đồng để cho vay các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngân hàng có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn theo đúng quy định tại quy chế quân tài chính để cho vay theo quy định của pháp luật.

Đề xuất sử dụng nợ thu hồi của tín dụng chính sách để cho vay nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi

Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi kiến nghị Quốc hội cho phép Ngân hàng Chính sách xã hội được tiếp tục sử dụng toàn bộ số tiền 6.068,961 tỉ đồng Ngân hàng Nhà nước đã cấp cho các chương trình tín dụng chính sách để cho vay các chương trình tín dụng theo đề nghị của Chính phủ.

Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục thu hồi đầy đủ các khoản cho vay chưa thu hồi theo quy định pháp luật để thực hiện cho vay các chương trình tín dụng chính sách.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội quản lý, sử dụng, cho vay đúng quy định, đảm bảo thực hiện được mục tiêu của các chương trình cho vay, không để xảy ra trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.