
UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 46 của Ban Thường vụ Thành ủy nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trong đó, chuyển đổi số và cải cách hành chính được coi là những giải pháp đột phá, giúp bịt kín các lỗ hổng thể chế, giảm cơ hội tiếp xúc trực tiếp giữa người dân – doanh nghiệp với cán bộ công quyền.
Giảm tiếp xúc, tăng minh bạch
Theo UBND Thành phố, chuyển đổi số là công cụ quan trọng giúp minh bạch hóa hoạt động quản lý nhà nước. Việc áp dụng chữ ký số, quy trình số hóa và nền tảng quản lý dữ liệu điện tử giúp hạn chế tối đa các hành vi “làm luật”, “vòi vĩnh”, “tham nhũng vặt” trong quá trình giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính.
Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm trách nhiệm giải trình – đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như đất đai, đầu tư công, tuyển dụng công chức… Việc số hóa quy trình quản lý đi kèm với công khai thông tin sẽ tạo điều kiện để người dân giám sát, các cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra, truy xuất.
“Không thể phòng chống tham nhũng bằng niềm tin, mà phải bằng cơ chế và công nghệ giám sát minh bạch. Mọi thao tác phải có dấu vết, có lưu trữ dữ liệu để truy cứu trách nhiệm khi cần” – một cán bộ thanh tra Thành phố chia sẻ.
Cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số
TP Hồ Chí Minh xác định cải cách hành chính và đổi mới công nghệ là hai trụ cột của phòng ngừa tham nhũng. Việc chuyển đổi vị trí công tác, thi tuyển công khai, và quản lý tài sản cán bộ bằng công nghệ sẽ giúp tăng tính khách quan và giảm nguy cơ lạm quyền, tư lợi.
Các cơ quan, đơn vị cũng được yêu cầu tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định bất cập, lạc hậu để phù hợp với môi trường làm việc số hóa. Từ đó, từng bước khép lại “khoảng trống chính sách” – nguyên nhân sâu xa dẫn đến cơ chế xin – cho, chi phối sai lệch.
Một điểm đáng chú ý là kế hoạch lần này không chỉ đề cập đến việc sử dụng công nghệ ở cấp cơ sở mà còn yêu cầu các cơ quan chức năng như thanh tra, kiểm tra, điều tra, xét xử… phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao chất lượng, tốc độ xử lý vụ việc.
TP Hồ Chí Minh yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lạm dụng định giá, giám định để kéo dài thời gian điều tra, truy tố. Việc giám sát quy trình xử lý, từ khâu tiếp nhận thông tin đến kết luận điều tra, cũng phải được số hóa và kiểm soát chặt chẽ hơn.
Một điểm nhấn mạnh mẽ của Kế hoạch là quyết tâm phòng, chống “tham nhũng trong cơ quan chống tham nhũng”. Từ kiểm soát quyền lực nội bộ, xử lý nghiêm hành vi dung túng, tiếp tay sai phạm – đến ứng dụng dữ liệu số trong theo dõi hoạt động cán bộ – tất cả đều phải được thực hiện một cách nhất quán, minh bạch.
Phát huy vai trò giám sát từ xã hội số
Không dừng lại ở cơ quan công quyền, Thành phố cũng yêu cầu phát huy vai trò giám sát của người dân, báo chí, tổ chức chính trị - xã hội. Các nền tảng tương tác công dân – chính quyền sẽ được tận dụng để tiếp nhận phản ánh, tố giác vi phạm, góp phần phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực.
Việc biểu dương, khen thưởng những người dũng cảm tố giác tham nhũng cũng sẽ được thực hiện thường xuyên, nhằm tạo động lực và khuyến khích xã hội cùng chung tay xây dựng môi trường minh bạch, lành mạnh.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.