Chuyển đổi số cho hộ kinh doanh

01/07/2025 11:03 GMT+7

Chatbot tự động, lên đơn hàng bằng AI… những tính năng tưởng chừng chỉ áp dụng cho doanh nghiệp lớn nay không còn quá xa với các hộ kinh doanh

Hiện cả nước có hơn 5 triệu hộ kinh doanh, theo các chuyên gia, việc hỗ trợ các tiểu thương hiện đại hóa mô hình kinh doanh là một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển thương mại điện tử và kinh tế số quốc gia. Trong giai đoạn 2026 - 2030, Bộ Công thương đặt mục tiêu 80% giao dịch thương mại điện tử sẽ sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt.

Để hiện thực hóa mục tiêu, một trong những giải pháp trọng tâm mà Bộ Công thương triển khai là thúc đẩy ứng dụng thanh toán số trong Chương trình Chuyển đổi số cho chợ truyền thống.

Chương trình sẽ tích cực phổ biến các phương thức thanh toán hiện đại như quét mã QR, ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc… đặc biệt tập trung tại các chợ truyền thống - khu vực còn nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác đúng mức.

Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Chương trình sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc với các hoạt động cụ thể như: Đào tạo kỹ năng số, cung cấp giải pháp công nghệ phù hợp, tổ chức các phiên chợ số trình diễn công nghệ, xây dựng cộng đồng hỗ trợ tiểu thương… sẽ giúp tạo ra môi trường thương mại điện tử thân thiện hơn với người dân, đặc biệt là tiểu thương vùng chợ truyền thống.

Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã biên soạn và chính thức công bố cuốn "Sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số tiểu thương chợ truyền thống", với mục tiêu trang bị kiến thức chuyển đổi số cho tiểu thương chợ truyền thống; chia sẻ kinh nghiệm các mẹo hay bán hàng trực tuyến từ các "nhà bán hàng thành công" và các kỹ năng bán hàng hiện đại tăng doanh số.

Đặc biệt, Sổ tay hướng dẫn chuyển đổi số tiểu thương chợ truyền thống không chỉ hướng dẫn sử dụng TikTok Shop, Shopee, Zalo OA, chatbot tự động hay quét mã QR, mà còn mở rộng kiến thức cho bà con về cách quản lý chi tiêu, theo dõi lãi-lỗ, và xây dựng thương hiệu cá nhân trên môi trường số.

Chuyển đổi số cho hộ kinh doanh - Ảnh 1.

Trong giai đoạn 2026 - 2030, Bộ Công thương đặt mục tiêu 80% giao dịch thương mại điện tử sẽ sử dụng các phương thức thanh toán không tiền mặt

Về phía doanh nghiệp, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi số cho hộ kinh doanh mới đây KiotViet ra mắt Knote, ứng dụng được kỳ vọng giúp "bình dân hóa" AI, hỗ trợ hộ kinh doanh nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế số.

Thay vì phương thức lên đơn truyền thống, với Knote, người bán hàng có thể tạo đơn theo hai cách tiện lợi: Dùng giọng nói hoặc chat ra lệnh. Ví dụ: Một người bán cafe có thể lên đơn bằng cách nói vào ứng dụng: "Một cafe sữa đá 20.000 đồng" - Knote sẽ tự động tạo một đơn hàng với mặt hàng và giá tiền tương ứng.

Ngoài ra, người bán hàng còn có thể lên đơn bằng cách nhập thông tin đơn hàng theo cú pháp: số lượng, tên hàng, giá bán. Ngay cả việc nhập hàng hóa cũng trở nên nhanh chóng nhờ AI gợi ý các thông tin mặt hàng liên quan - kỹ năng được AI trau dồi từ việc học và hiểu hành vi kinh doanh cụ thể của người bán.

Mỗi đơn hàng sẽ đi kèm mã QR tạo thuận lợi trong quá trình thanh toán. Đồng thời, thông báo về kết quả giao dịch sẽ được phát trên loa điện thoại

Việt Nam hiện có trên 5,2 triệu hộ kinh doanh, tạo ra 8-9 triệu việc làm, tương đương với khối công ty tư nhân, theo số liệu của Cục Thống kê các năm 2018-2020. Khu vực này được coi là "xương sống" trong nhiều ngành, lĩnh vực, từ công-nông nghiệp đến thương mại, dịch vụ. Nếu một phần năm số hộ này chuyển thành doanh nghiệp, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp đặt ra cho năm 2030, nâng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Năm ngoái, theo số liệu của Cục Thuế (Bộ Tài chính), trên 5,2 triệu hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế gần 26.000 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.