Chống buôn lậu, hàng giả: Nhiều bất cập phải gỡ ngay

Ban Thời sự

25/06/2025 20:23 GMT+7

Đợt cao điểm một tháng đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu vừa qua đã cho thấy cuộc chiến này còn rất nhiều thách thức và cần có những tháo gỡ kịp thời.

Có thể nói chưa bao giờ sức nóng của chiến dịch chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại và xâm phạm sở hữu trí tuệ lại lan tỏa mạnh mẽ, vừa sâu, vừa rộng như hiện nay. "Không có vùng cấm, không có ngoại lệ" là thông điệp mà người đứng đầu Chính phủ đã nhấn mạnh nhiều lần.

Tuy nhiên, đợt cao điểm một tháng đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu vừa qua đã cho thấy rất rõ rằng cuộc chiến này còn rất nhiều thách thức với các lực lượng chức năng và cần có những tháo gỡ kịp thời nếu muốn "Ngày nào cũng là cao điểm chống buôn lậu, hàng giả" như Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động.

Hơn 5.500 cửa hàng đã đóng cửa trong đợt cao điểm. Ngoài áp lực thị trường, lý do còn là nỗi lo bị xử phạt khi không đáp ứng điều kiện pháp lý, hóa đơn, nguồn gốc hàng hóa. Những cánh cửa đóng kín chỉ như che giấu đi những phức tạp tiềm ẩn bên trong. Đó có thể là phần nhìn thấy của một thế giới ngầm các hoạt động kinh doanh, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Khi vận hành bộ máy tổ chức mới theo chính quyền 2 cấp, theo những người trong cuộc sẽ còn nảy sinh nhiều vấn đề cần phải được tháo gỡ ngay từ giai đoạn đầu.

Ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay: "Cũng phải nói thẳng một điều đó là công cuộc sắp xếp lại, tổ chức bộ máy và tên gọi đơn vị hành chính thì ít nhiều cũng bị chi phối cho công tác, chỉ đạo và thực hiện trách nhiệm. Lực lượng quản lý thị trường từ tháng 2 đã bàn giao về cơ sở. Có nơi thì triển khai tốt, cũng có nhiều địa phương chỉ đạo lực lượng này chưa kịp thời".

Hơn 10.800 vụ việc bị phát hiện. Trị giá tang vật tạm giữ trên 4.000 tỷ đồng. Thu nộp ngân sách gần 1.300 tỷ đồng, tăng hơn 250% so với tháng trước. Đây là các con số kỷ lục xuất hiện chỉ trong một tháng cao điểm.

Tuy nhiên, theo cơ quan hành pháp, vấn có nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, bất cập, thiếu cập nhật thực tế, đặc biệt trong quản lý thực phẩm chức năng, thuốc và thương mại điện tử.

Ông Đỗ Xuân Tuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: "Qua đợt cao điểm thì Bộ Y tế cũng nhận diện ra một số tồn tại, hạn chế liên quan đến thuốc giả, thực phẩm chức năng giả. Đề xuất là nâng mức xử phạt hành chính lên ngang với xử phạt hành chính của an toàn giao thông".

"Rõ ràng trong quá trình xây dựng, một số các văn bản pháp luật hướng dẫn là chúng ta đã vượt qua làn ranh là từ nới lỏng sang buông lỏng. Thuốc chữa bệnh, thức ăn, sản phẩm ăn uống… thì phải cần phải tiền kiểm", Thượng tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an cho hay.

Hàng loạt động thái mạnh tay với hàng giả, hàng lậu đã được thực hiện thời gian qua như: Thủ tướng chỉ đạo trực tiếp; Tổ công tác đặc biệt được thành lập; Bộ Công an đề xuất sửa luật; Bộ Y tế siết quản lý thực phẩm chức năng, thuốc giả; Bộ Văn hóa lên chế tài với nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật; Các sàn thương mại điện tử bị yêu cầu gỡ hàng vi phạm…

Theo các lực lượng chức năng, từ nay tới cuối năm, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vẫn có những diễn biến phức tạp kể cả trên môi trường kinh doanh truyền thống và trên không gian mạng.

Cần tháo gỡ ngay những bất cập xuất hiện sau tháng cao điểm và tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới, với tinh thần "làm thường xuyên, liên tục, không ngừng nghỉ".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.