
Cần thiết ban hành Nghị quyết về cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật, điều này sẽ giúp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đây là ý kiến của một số đại biểu khi thảo luận phiên toàn thể về nội dung này sáng nay.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu góp ý về phạm vi điều chỉnh, tiêu chí xác định các khó khăn, vướng mắc do quy định của pháp luật, cho rằng việc làm rõ các tiêu chí sẽ giúp việc xử lý được nhanh chóng, kịp thời, trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, cần bổ sung và điều chỉnh lại một số nguyên tắc khi xử lý vướng mắc.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn đề nghị: "Đề nghị bổ sung và làm rõ nội dung liên quan đến hạn chế đến quyền con người, quyền công dân, hoặc liên quan đến tội phạm và hình phạt tố tụng tư pháp thì không áp dụng cơ chế tại nghị quyết này để xử lý, tức là không trao quyền cho Chính phủ, UBTVQH được sửa các luật Nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này, bởi vì đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của con người, liên quan đến tội hay không tội, tù hay không tù, bắt giam, tha ra nên phải do Quốc hội thảo luận, điều chỉnh".

Đánh giá cao dự thảo Nghị quyết đã chọn được các nhóm vướng mắc tiêu biểu có ảnh hưởng rộng để tháo gỡ, như phương thức thanh toán dự án BT, hướng dẫn áp dụng quy định đấu thầu… Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy trình xử lý cần lưu ý về nguyên tắc minh bạch.
Ông Hà Sỹ Đồng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị kiến nghị: "Cần bổ sung nguyên tắc đảm bảo minh bạch, và không làm phát sinh các cơ chế xin cho. Một số nội dung cần giao thẩm quyền cho bộ ngành, địa phương trong phân cấp, phân quyền cho rõ ràng hơn. Không có nguyên tắc này sẽ dẫn đến tùy nghi áp dụng và sẽ khó áp dụng, bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình về phương án xử lý".
Các đại biểu cũng kiến nghị về hướng xử lý trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra vi phạm, đề xuất Nghị quyết có hiệu lực ngay khi được thông qua để sớm đẩy nhanh việc rà soát, tháo gỡ vướng mắc của thể chế, để không bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.