
Bị hại cho biết, Lucmall thuê luật sư tiếp và hẹn trả lời trưởng shop nhưng đến hẹn luật sư của Lucmall không trả lời, cũng không liên lạc được - Ảnh: NVCC
Màn kịch "nâng cấp" và kế hoạch "ve sầu thoát xác"
Những cơn địa chấn đầu tiên báo hiệu sự sụp đổ của đế chế Lucmall không phải là sự cố sập app hay việc trả lãi chậm, mà là một loạt hành động thay đổi có vẻ ngoài chuyên nghiệp và bài bản, diễn ra vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5 năm 2025. Đó là một kế hoạch "ve sầu thoát xác" được tính toán kỹ lưỡng, bắt đầu bằng việc thay tên, đổi họ cho toàn bộ hệ thống.
Chị Triệu Thị Kim Cúc, một trong những người đầu tiên nhận ra sự bất thường và đứng lên tố cáo, đã kể lại thời điểm bước ngoặt đó với sự mâu thuẫn giữa tin tưởng và hoài nghi:
"Hôm đó, trong tất cả các nhóm Zalo, công ty đồng loạt đưa ra một thông báo khẩn. Họ nói rằng app Lucmall đã cũ, cần phải nâng cấp lên một phiên bản mới ưu việt hơn. Ngày đầu tiên tên là Lucmall, nhưng mà ngày thứ hai thì công ty báo vào trong group là các bạn xóa hết tất cả app của Lucmall đi để chúng ta sẽ chuyển sang một cái app nó hiện đại hơn. Tất cả các thành viên đều răm rắp làm theo, xóa hết cái app đó và truy cập vào một cái đường link mang tên gọi là ManaMall."


Cùng với việc đổi tên ứng dụng, một sự thay đổi tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại mang ý nghĩa tâm lý lớn cũng diễn ra. Chị Cúc cho biết: "Họ thay đổi linh vật của các "hộp hàng" cũng thay đổi. "Họ thay đổi linh vật từ hộp rồng, hộp cá trở thành con rùa và con thỏ."

6728302952731.mp4
Ngoài Manamall, nguồn tin của VTV Times cho biết, nhánh các công ty con của Lucmall bao gồm cả Vietmall, shopone, Aimall…
2. "Tách Shop" - Ngòi Nổ Cho Sự Sụp Đổ Hàng Loạt
Thủ đoạn "tách shop" được phân tích ở các kỳ trước chính là ngòi nổ trực tiếp cho sự sụp đổ hàng loạt. Khi một shop bị ép tách ra, nó tạo thành một hệ sinh thái mới, vô cùng mong manh vì không có dòng tiền mới từ hệ thống cũ bơm vào. Anh Huỳnh Nhật Tân (TP.HCM) là một minh chứng điển hình. Anh bị tách khỏi shop S3 của Đ. V.S. sang shop S2 mới của P.T.A.Q. Kết cục bi thảm đã được báo trước:
"Tôi giao dịch với shop mới được 2 ngày thì shop gãy do người bán quá nhiều mà người mua không có đủ... Sau đó tôi được chuyển về lại S3 của Đ. V.S.. Khi này tôi lại tiếp tục hết 'máu' nên mượn điện thoại mẹ tôi để đăng ký tiếp, xong phải có giao dịch mới được tăng máu nên tôi tiếp tục mua thêm hộp nữa... Tôi do tâm lý muốn rút tiền nên đành mua thêm... xong cuối cùng cũng bị lừa nốt."
Câu chuyện của anh Tân cho thấy một vòng lặp tàn nhẫn: nạn nhân bị ép vào đường cùng, phải bỏ thêm tiền để tự cứu mình, để rồi lại tiếp tục mất trắng.
3. Bốn Ngày Họp Zoom Hỗn Loạn: Vở Kịch Đổ Lỗi và Những Giải Pháp Nực Cười
Khi các shop hàng loạt "gãy", một cuộc khủng hoảng truyền thông nội bộ nổ ra. Chị Kim Cúc, người bị treo 106 triệu chỉ sau 4 ngày tham gia, đã phải trải qua những phiên họp Zoom triền miên.
""Thực sự là các phiên zoom gỡ tiền treo nó khiến tôi khá là mệt mỏi, mất nhiều thời gian, liên tục là sáng, trưa, chiều, tối, lúc nào cũng zoom để tìm ra giải pháp. Và trong cái phiên zoom đó thì tôi bị trách là người đầu cơ, sao không chịu học, những phiên zoom cổ đông hướng đến chúng tôi phải lựa chọn. Những lựa chọn đều khiến tôi mất tiền, hoặc phải đi tìm người thế mạng. Còn không tiền sẽ treo mãi mãi. Tôi không biết phải làm sao? Đi lừa tiếp để gỡ tiền ra, hay chấp nhận chọn những đáp án cướp tiền! Hay sẽ đi báo công an? Chị Cúc bức xúc.
Thay vì giải quyết, các thủ lĩnh bắt đầu vở kịch đổ lỗi. "Cổ đông đẩy cho S4, S4 đẩy cho S2, rồi lại đẩy ra trưởng nhóm. Họ cứ đẩy cho nhau," chị Cúc kể. Bản thân chị còn bị các cổ đông như ông C., bà L. trách ngược là "đầu cơ". Giữa sự hỗn loạn, các thủ lĩnh đưa ra những giải pháp không tưởng để xoa dịu nạn nhân.
"Em hãy trở thành cổ đông của công ty đi": Lời đề nghị được đưa ra cho chị Cúc, dụ dỗ chị bỏ thêm tiền vào một con tàu đang chìm. "Bạn tách shop đi": Một lời khuyên khác cho chị Cúc, đẩy chị vào con đường rủi ro mà nhiều người đã thất bại. Đổi hàng lấy... hải sản: Một cổ đông thậm chí còn đề nghị các nạn nhân đổi số tiền bị treo để lấy hải sản từ doanh nghiệp của gia đình mình.
4. Từ Hứa Hẹn Đến Đe Dọa: Khi Các "Tướng Lĩnh" Lật Mặt
Khi những lời xoa dịu không còn tác dụng, bộ mặt thật của các thủ lĩnh dần lộ rõ. Anh Nguyễn Đăng Thìn kể lại sự thay đổi thái độ của cổ đông N.Đ.C, người từng cam kết "mất tiền anh sẽ đền":
"Khi xảy ra sự cố, người ta trốn luôn. Những lời hứa hỗ trợ chỉ là nói để kéo dài thời gian."
Tệ hơn, khi bị các nạn nhân như chị Kim Cúc công khai vạch trần trên mạng xã hội, ông C. bị cáo buộc đã nhắn tin đe dọa. Chị Cúc thuật lại:
"Cổ đông C. đã nhắn tin cho tôi rất là nhiều là 'em phải ngoan thì anh sẽ có cách gỡ hàng, nhưng em cứ như thế này thì... anh sẽ nhờ pháp luật để trừng trị em'."
Cùng với đó là một chiến dịch được cho là để khủng bố tinh thần có tổ chức. "Họ đang nói xấu tôi trong zoom thì phát hiện tôi có ở trong đó nên sững sờ và vội vàng cho tôi ra khỏi zoom. Và những người ở lại zoom đó có nói lại thông tin cho tôi là chị T. (một thủ lĩnh ở Hải Phòng) yêu cầu toàn bộ cộng đồng vào group đã lập để tấn công tôi, để nói xấu tôi," chị Cúc cho biết.
5. Cuộc Tẩu Thoát Được Báo Trước
Khi các nạn nhân tìm đến trụ sở công ty tại Vinhomes Ocean Park, họ chỉ đối mặt với một văn phòng trống rỗng. Chị Cúc kể: "Chúng tôi phát hiện ra là chủ nhà bảo rằng là chúng nó đã trả nhà lâu rồi."
Sự biến mất này không phải là một hành động bột phát. Một cựu nhân viên của Lucmall đã tiết lộ thông tin cho chị Cúc:
"Bạn ấy có chia sẻ với em rằng là, chúng nó đã chuẩn bị sẵn kịch bản, chúng nó đã cho giải thể công ty rồi."
Thông tin này cho thấy, sự sụp đổ của Lucmall có thể không phải là một tai nạn kinh doanh, mà là một cuộc tẩu thoát đã được lên kế hoạch.
Nhiều người cho rằng câu chuyện về Lucmall đã kết thúc khi nhiều shop gãy và tiền bị treo, văn phòng trống rỗng và các thủ lĩnh chóp bu "biến mất". Tuy nhiên, theo những thông tin mới nhất mà chúng tôi thu thập được từ các nạn nhân, đây chỉ là sự kết thúc của một "chương", không phải của cả "cuốn sách". Cỗ máy này không chết, nó chỉ đang "thay tên đổi họ" và tiếp tục vươn những vòi bạch tuộc mới.
Con số 169 người làm đơn đứng ra tố cáo, dù rất lớn, vẫn chỉ là phần nổi can đảm nhất của một tảng băng chìm. Theo ước tính của nhiều người trong cuộc, số lượng người đã mất tiền trong ma trận Lucmall có thể lên đến hàng nghìn người. Sự im lặng của đám đông khổng lồ này đến từ sự mặc cảm tội lỗi vì đã lôi kéo người thân, sự sợ hãi bị trả thù, và trên hết là sự vô vọng, chấp nhận "cắn răng chịu mất tiền" để được bình yên.
Cuộc điều tra của các cơ quan chức năng sẽ còn tiếp diễn, nhưng cuộc chiến của người dân để bảo vệ tài sản của chính mình phải bắt đầu ngay từ sự tỉnh táo và khả năng nói "Không" trước những lời hứa hẹn làm giàu không tưởng.
Bằng những thủ đoạn và hành động nhằm thu hút một lượng tiền khổng lồ trên diện rộng như vậy, Lucmall có dấu hiệu phạm những tội gì. Luật sư sẽ chỉ rõ ở kỳ sau.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.