
Sau một thời gian tạm lắng, tình trạng đổ phế thải, trạc thải xây dựng để san lấp bãi bồi, lòng sông Hồng đang có dấu hiệu gia tăng trở lại trong khoảng một năm trở lại đây. Hoạt động này không chỉ diễn ra với tần suất dày đặc mà còn ngày càng tinh vi hơn, gây nguy cơ lớn đến hệ thống đê điều và công tác phòng chống thiên tai tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Tại phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội, hoạt động đổ trực tiếp đất thải lẫn gạch đá để biến dạng mặt bằng đất bãi ngoài đê sông Hồng diễn ra công khai giữa ban ngày. Dù tại lối vào có treo biển "cấm đổ phế thải" và gắn hệ thống camera giám sát phát âm thanh cảnh báo, hàng chục lượt xe vẫn nối đuôi nhau đổ trạc thải mỗi sáng.
Người tự nhận là chủ khu đất cho biết không hề hay biết và cho rằng đó là hành vi đổ trộm: “Thi thoảng đêm hôm có các đối tượng vào đây đổ trộm. Vừa rồi anh còn quay cả xe đổ trộm để báo phường. Nhưng đấy là việc của người ta xử lý…”

Không chỉ ở Tây Hồ, tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), phóng viên ghi nhận tình trạng đổ phế thải với quy mô lớn. Nhiều xe tải chở trạc thải vượt qua các chốt kiểm tra, lọt sâu vào đất bãi rồi bất ngờ quay đầu khi phát hiện bị theo dõi. Bên trong hiện trường, từng hố sâu tới 10m được đào để nhồi rác thải, mặt bằng khu vực bị tôn cao, phủ kín lưới đen như cách đánh dấu lãnh địa chiếm dụng.
Ông Hoàng Văn Lực – Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy, Long Biên cho biết: “Hiện nay chúng tôi chưa nhận được thông tin phản ánh. Nếu phát hiện có vi phạm trong địa giới, chúng tôi sẽ xử lý ngay".
Liên tục trong tháng 5 và 6, phóng viên đã khảo sát dọc tuyến sông Hồng đoạn qua nhiều quận, huyện ở Hà Nội. Kết quả cho thấy tình trạng lấn chiếm, đổ phế thải diễn ra phổ biến, với nhiều vị trí đang bị biến dạng nghiêm trọng.
Tại phường Đông Ngạc (quận Bắc Từ Liêm), phế thải xây dựng được đổ thẳng xuống sông để tạo mặt bằng cho các bến bãi trái phép. Trong khi đó, ở phía đối diện, thuộc xã Võng La (huyện Đông Anh), gạch đá được đổ lén rồi phủ đất lên để che giấu hiện trường.
Việc đổ trộm phế thải không chỉ hủy hoại cảnh quan, xâm chiếm hành lang thoát lũ mà còn gây hệ lụy nghiêm trọng cho an toàn đê điều và môi trường sống của người dân ven sông. Các địa phương cần sớm vào cuộc quyết liệt hơn, tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, không để “nỗi đau sông Mẹ” lặp lại một lần nữa.

Nguy cơ vỡ đê từ tình trạng đổ phế thải, lấn chiếm bãi sông Hồng
Thực tế cho thấy, sau một thời gian ngắn bị đổ trộm phế thải và san lấp trái phép, các khu vực đất bãi ven sông Hồng sẽ mọc cỏ hoang, khiến việc xác định diện tích bị lấn chiếm trở nên khó khăn. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng hành lang thoát lũ nhưng thường bị bỏ qua khi hiện trạng đã bị ngụy trang tự nhiên.
Theo quyết định phê duyệt ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch phòng chống lũ và đê điều sông Hồng – sông Thái Bình được triển khai nhằm bảo đảm an toàn cho thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng. Đến ngày 21/4/2023, Phó Thủ tướng tiếp tục ký quyết định số 429 sửa đổi, nhấn mạnh rõ: các hoạt động phát triển kinh tế không được tôn cao bãi sông; việc sử dụng bãi sông phải tuân thủ pháp luật, không được cản trở khả năng thoát lũ, chứa lũ và không làm tăng rủi ro thiên tai.
Không gian thoát lũ – khu vực lòng sông và bãi sông giữa hai đê – có vai trò đặc biệt quan trọng. Với đặc điểm lũ lên nhanh nhưng rút chậm của sông Hồng, không gian này là “lá chắn” giúp bảo vệ an toàn hệ thống đê điều. Tuy nhiên, báo cáo từ Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai cho thấy: tổng lưu lượng lũ trên sông Hồng sau bão Yagi năm 2024 tuy nhỏ hơn quy hoạch và thấp hơn lũ lịch sử năm 1971, nhưng mực nước lại vượt ngưỡng cũ. Điều này cho thấy lòng sông đã bị thu hẹp đáng kể.
Một nguyên nhân chính được chỉ ra là tình trạng đổ phế thải, lấn chiếm, tôn cao đất bãi và lấp sông. Các hoạt động này đang làm giảm đáng kể diện tích thoát lũ, khiến mực nước dâng cao bất thường dù tổng lượng lũ không lớn.
Ông Trần Công Tuyên – Trưởng phòng Quản lý đê điều (Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: “Những ghi nhận thực tế từ phóng viên là rất xác đáng và cũng là nỗi trăn trở, lo lắng của những người làm công tác quản lý đê điều. Nếu không kịp thời ngăn chặn, xử lý vi phạm lấn chiếm lòng dẫn, nguy cơ xảy ra vỡ đê là rất cao. Trận lũ lịch sử vừa qua là lời cảnh tỉnh để chính quyền và người dân phải nhìn nhận lại một cách khách quan".
Nguy cơ không còn nằm ở cảnh báo mà đang hiện hữu từng ngày dọc theo tuyến sông Hồng. Nếu không hành động sớm, những vi phạm hiện nay có thể trở thành nguyên nhân cho những thảm họa lớn trong tương lai.

Biến đất bãi sông Hồng thành "mỏ vàng": Hậu quả từ nạn đổ phế thải trái phép
Tại nhiều vị trí ven sông Hồng, đất bãi đã bị san lấp bằng phế thải xây dựng, khiến mặt bằng được tôn cao lên cả chục mét. Đất đá đổ xuống lấp bãi sông bao nhiêu thì thể tích chứa lũ, thoát lũ cũng bị giảm đi bấy nhiêu. Đây chính là nguyên nhân làm gia tăng nguy cơ phá hủy hệ thống đê điều và khiến mức độ tàn phá của lũ trên sông Hồng trở nên khó lường hơn.
Không chỉ gây hậu quả về thủy lợi, sau khi lấn chiếm, các đối tượng còn tận dụng khu đất để phục vụ lợi ích cá nhân. Thậm chí, một thị trường ngầm đã hình thành, với giá bán đất bãi được rao từ vài triệu đồng mỗi mét vuông, dù chỉ có giấy viết tay. Người có nhu cầu chỉ cần gọi số điện thoại in trên biển là sẽ được hướng dẫn tận tình.
Từ một mảnh đất nông nghiệp trũng thấp, sau khi được đổ phế thải tôn nền, nhiều khu vực đã được dựng hàng loạt lều tôn, công trình cơi nới. Quan sát từ trên cao, có thể thấy các mái tôn, khung thép mọc lên san sát, hình thành những "khu dân cư" tự phát trên đất bãi sông Hồng. Các đối tượng ngang nhiên xây dựng với lý do "làm chuồng gà" nhưng thực chất là để ở. Công trình dựng lên lén lút ban đầu, rồi dần mở rộng, tái lắp sau mỗi lần bị xử lý.
Tình trạng này diễn ra phổ biến tại các phường dọc đê như Nhật Tân, Đông Ngạc, Cự Khối... Không chỉ có công trình dân cư trái phép, nhiều khu sinh thái cũng mọc lên trên nền đất bãi từng bị lấn chiếm. Để có mặt bằng cho các khu du lịch như Nhật Tân Healing Farm, Thời Garden, không ai biết bao nhiêu mét khối phế thải đã được đổ xuống để tôn cao nền đất.
Ở phường Cự Khối (quận Long Biên), một lạch sông Hồng từng tồn tại nay đã bị san lấp, nhường chỗ cho khu sinh thái mới đang hình thành. Khi phát hiện máy quay, mọi hoạt động lập tức dừng lại – cho thấy sự manh động và đối phó của các đối tượng.
Ông Nguyễn Văn Cường – Chủ tịch UBND phường Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm thừa nhận: “Việc này thì hôm nay tôi mới nắm được. Chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý dứt điểm nếu có, vì thời gian gần đây thường xuyên tuần tra nhưng không phát hiện việc đổ thải mới.”
Từ một hành vi đổ phế thải trái phép, các đối tượng đã biến đất bãi ven sông – vốn giữ vai trò thoát lũ – thành tài sản sinh lời bằng cách cơi nới, xây dựng, cho thuê hoặc bán lại. Nếu không có biện pháp kiểm soát và xử lý nghiêm, tình trạng lấn chiếm đất bãi sẽ tiếp tục lan rộng, gây hậu quả nghiêm trọng cho an toàn đê điều và môi trường sống vùng ven sông Hồng.

Không buông lỏng phòng chống thiên tai giữa thời điểm sáp nhập địa giới hành chính
Trong lịch sử, sông Hồng từng chứng kiến nhiều trận lũ lớn, đặc biệt là thảm họa năm 1971 khiến 100.000 người thiệt mạng. Dù năm 2024 cũng xảy ra một trận lũ lịch sử sau bão Yagi, điều đó không có nghĩa những năm tới sẽ yên bình. Thiên tai không báo trước, vì vậy công tác phòng chống không thể lơi lỏng – nhất là trong giai đoạn nhạy cảm khi tổ chức bộ máy chính quyền đang có sự thay đổi.
Theo UBND phường Ngọc Thụy (quận Long Biên, Hà Nội), từ đầu năm đến nay đã xử lý gần 60 trường hợp vi phạm xây dựng công trình kiên cố trái phép tại khu vực đất bãi ngoài đê sông Hồng. Tuy nhiên, như ông Hoàng Văn Lực – Chủ tịch UBND phường – khẳng định, điều quan trọng không chỉ là xử lý mà phải chủ động ngăn chặn vi phạm phát sinh.
Một điển hình là khu sinh thái Nắng Sông Hồng tại phường Bồ Đề, từng bị UBND quận Long Biên xử phạt 40 triệu đồng vì hành vi đổ phế thải lấn chiếm bãi sông. Dù có quyết định yêu cầu khôi phục hiện trạng, đến nay công trình vẫn chưa được khắc phục, do thiếu phối hợp từ phía doanh nghiệp. Phường Bồ Đề đã bàn giao vụ việc cho chính quyền mới tiếp tục xử lý.
Ông Trần Công Tuyên – Trưởng phòng Quản lý đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cảnh báo: khi Hà Nội chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp từ tháng 7, cấp cơ sở không được chủ quan, mà phải tăng cường giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hành lang thoát lũ, đảm bảo an toàn đê điều.
Vi phạm lấn chiếm đất bãi, lấp dòng chảy sông Hồng đã được Cục Quản lý đê điều và cả Thanh tra Chính phủ liên tục cảnh báo, điểm mặt chỉ tên. Trong khi đó, thực tế cho thấy nhiều công trình vẫn ngang nhiên tồn tại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian thoát lũ – đặc biệt khi mùa mưa bão đang đến gần.
Thiên tai không cho con người quyền lựa chọn, nhưng con người có thể lựa chọn cách hạn chế hậu quả. Và sự lựa chọn đó bắt đầu từ những hành vi rất đơn giản – như ngừng việc đổ phế thải, lấp bãi sông vô tội vạ.

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.