
(Ảnh minh hoạ: Unsplash)
Từ tháng 12/2025, các nền tảng như Facebook, Instagram, TikTok và Snapchat tại Australia sẽ phải triển khai biện pháp ngăn trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng dịch vụ. Nếu vi phạm, các công ty có thể đối mặt mức phạt gần 50 triệu AUD (tương đương hơn 845 tỷ đồng).
Để chuẩn bị cho quy định này, chính phủ Australia đang thử nghiệm công nghệ xác minh độ tuổi bằng trí tuệ nhân tạo và nhận diện khuôn mặt. Tuy nhiên, báo cáo sơ bộ công bố ngày 20/6 không nêu bất kỳ dữ liệu cụ thể nào, khiến giới chuyên gia lo ngại về tính minh bạch.
Ông John Pane, Chủ tịch tổ chức Electronic Frontiers Australia, cho biết hội đồng của ông chưa tiếp cận được dữ liệu nền tảng của cuộc thử nghiệm.
“Còn quá sớm để kết luận. Để đánh giá nghiêm túc và khách quan thì phải có dữ liệu”, ông Pane nhấn mạnh.
Ông cũng cảnh báo rằng thử nghiệm hiện nay thiếu minh bạch và chưa làm rõ cách các công ty xử lý dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu sinh trắc học như khuôn mặt.
“Chúng tôi không biết các nhà cung cấp sử dụng công nghệ gì, lưu trữ ra sao. Việc thu thập dữ liệu khuôn mặt rất đáng lo ngại, vì bạn không thể thay đổi khuôn mặt như thay mật khẩu”, ông nói.
Theo ông Pane, chính sách này có thể là bước đệm cho việc áp dụng định danh số trên diện rộng tại Australia, không chỉ giới hạn trong nhóm trẻ vị thành niên.
“Chính sách kiểm soát độ tuổi có thể là 'con ngựa thành Troy' cho định danh số. Cả người lớn cũng có thể phải xác minh danh tính để truy cập mạng xã hội”, ông nhận định.
Từ phía Hội đồng Cố vấn, ông Colm Gannon - Giám đốc Trung tâm Trẻ em mất tích và bị bóc lột quốc tế - cũng bày tỏ hoài nghi, đặc biệt về khả năng trẻ em lách luật.
“Trẻ em tiếp cận công nghệ rất nhanh và cũng vượt qua rào cản rất nhanh. Nếu không kiểm tra việc lách luật, thì không thể gọi đó là thử nghiệm nghiêm túc”, ông Gannon nói.
Dù vậy, ông vẫn ủng hộ việc xác minh độ tuổi, nhưng nhấn mạnh cần có sự tham gia của trẻ em và đầu tư nghiêm túc từ chính phủ.
“Tôi tin vào việc xác minh độ tuổi. Nhưng công nghệ phải được thử nghiệm kỹ lưỡng, có sự tham gia của trẻ em, và mang lại giải pháp thực sự bảo vệ, chứ không chỉ kiểm soát”, ông nói thêm.
Báo cáo cuối cùng của chương trình thử nghiệm sẽ được trình lên chính phủ vào tháng 7/2025. Cộng đồng quốc tế đang theo dõi sát sao chính sách của Australia - với hy vọng về một mô hình bảo vệ trẻ em hiệu quả, nhưng cũng không ít hoài nghi.
“Ai cũng nói: ‘Chúng tôi đang chờ xem Australia sẽ làm gì’. Và tôi cũng vậy. Bởi ngay cả tôi, dù là cố vấn, cũng chưa biết giải pháp cuối cùng là gì”, ông Gannon chia sẻ.
Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.