
Anh A.T. (30 tuổi, trú tại Phú Thọ) nhiều tháng nay thường xuyên đau bụng, táo bón, són phân nhưng chủ quan, tự cho rằng chỉ rối loạn tiêu hóa. Chỉ đến khi phát hiện trong phân có các đoạn ký sinh trùng trắng như đốt sán ngọ nguậy, anh mới đi khám.
Tại Trung tâm Khám chữa bệnh theo yêu cầu và Quốc tế, sau xét nghiệm ký sinh trùng, anh T. được chỉ định thụt tháo trước nội soi đại tràng. Bất ngờ, bác sĩ phát hiện một con sán dây dài hơn 3 mét được thải ra, còn sống và ký sinh trong ruột, đại tràng.
Theo tiền sử, anh A.T. thừa nhận có thói quen ăn rau sống, ít tẩy giun, nghi ngờ nhiễm trứng sán dây từ rau sống không đảm bảo.
TS. Lê Nguyễn Minh Hoa - Kỹ thuật viên trưởng Khoa Vi sinh và Sinh học phân tử cho biết: "Chúng tôi nghi ngờ đây là sán dây bò (Taenia saginata), cần phân biệt với sán dây lợn (Taenia solium). Muốn xác định chính xác loài sán bắt buộc phải thu được phần đầu sán – bộ phận mang đặc điểm định danh. Do đó, bệnh nhân sẽ được uống thuốc xổ để đẩy ra toàn bộ sán, tránh sót đầu sán dẫn đến tái nhiễm".
Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền - Trung tâm Khám chữa bệnh theo yêu cầu và Quốc tế chia sẻ: Sau khi định danh, người bệnh sẽ được kê đơn thuốc đặc hiệu, kết hợp thuốc xổ để loại bỏ hoàn toàn sán. Quan trọng hơn, người bệnh cần theo dõi xét nghiệm phân định kỳ vài tuần đến vài tháng để chắc chắn không còn trứng hoặc đốt sán sót lại.
Sán dây có thể tồn tại nhiều năm, hầu như không triệu chứng rõ rệt. Một số người chỉ đau bụng âm ỉ, đầy hơi, sụt cân không rõ nguyên nhân. Trong nhiều trường hợp, dấu hiệu đầu tiên chính là phát hiện đốt sán ra theo phân.
Sán dây bò thường lây qua thịt bò tái. Sán dây lợn còn nguy hiểm hơn vì trứng có thể lây từ người sang người qua đường tay-miệng nếu vệ sinh kém. Ấu trùng có thể xâm nhập não, mắt, cơ… gây biến chứng đe dọa tính mạng.
Lời khuyến cáo từ bác sĩ:
Ăn chín, uống sôi, rửa rau sống thật kỹ.
Không ăn thịt tái, tiết canh.
Vệ sinh tay sạch sẽ trước ăn, sau đi vệ sinh.
Tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần, đặc biệt với trẻ em, người già, người miễn dịch yếu.
Bình luận (0)