Chiều 12/5, Hội đồng xét xử (HĐXX) Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội tiếp tục phiên sơ thẩm xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũ (TN&MT) Nguyễn Linh Ngọc, bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương cùng 25 bị cáo khác trong vụ án khai thác trái phép đất hiếm, gây thất thoát cho Nhà nước hơn 736 tỷ đồng. Phiên tòa bước vào phần xét hỏi.

Là người đầu tiên đứng trước bục xét hỏi, bị cáo Đoàn Văn Huấn (SN 1958), Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Dương, thừa nhận đã bán trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt.
HĐXX tập trung làm rõ các số liệu liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đất hiếm Yên Phú (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), do Công ty Thái Dương thực hiện.
Trả lời HĐXX, bị cáo Huấn xác nhận toàn bộ số liệu được trích xuất từ sổ sách kế toán của công ty.
Bị cáo trình bày, Công ty Thái Dương được thành lập từ năm 2002 với ba cổ đông sáng lập, gồm bị cáo, vợ và anh trai ruột. Trong đó, bị cáo là người đại diện pháp luật và trực tiếp điều hành doanh nghiệp; hai cổ đông còn lại không tham gia điều hành. Vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng, tăng lên 350 tỷ đồng vào năm 2023.

Các bị cáo trong phiên toà.
Bị cáo cho biết, công ty có đăng ký ngành nghề kinh doanh đa dạng, nhưng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, cụ thể là quặng sắt và đất hiếm. Đến năm 2023, tổng tài sản ước tính hơn 1.000 tỷ đồng, gồm máy móc, thiết bị và cơ sở vật chất khác.
Đối với mỏ đất hiếm Yên Phú, bị cáo cho biết công ty được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT cũ) cấp giấy phép khai thác vào năm 2013.
Tại phiên toà, bị cáo Huấn trình bày trong quá trình xin cấp phép, không có việc nhờ vả, tác động hay chi quà cáp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Đoàn Văn Huấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Thái Dương nhiều lần bật khóc khi đối diện các câu hỏi từ Hội đồng xét xử liên quan đến hành vi khai thác đất hiếm tại mỏ Yên Phú, huyện Văn Yên (Yên Bái).
Bị cáo phân trần, do nhận thức pháp luật còn hạn chế nên chỉ hiểu rằng khoáng sản sau khai thác không được phép xuất khẩu ở dạng thô. Dù thừa nhận các sai phạm như cáo trạng nêu, bị cáo Huấn có nhiều câu trả lời lòng vòng, không đi đúng vào trọng tâm.
HĐXX truy vấn: “Nếu bị cáo thực hiện đúng giấy phép và các quy định liên quan, thì làm gì có hành vi khai thác trái phép tài nguyên?”
Lúc này, bị cáo Huấn vừa khóc vừa nói: “HĐXX xem xét cho bị cáo, cái gì bị cáo cũng nhận hết… không sao đâu ạ.”
HĐXX tiếp tục hỏi :"Thế bị cáo sai ở đâu?”
Đáp lại, Đoàn Văn Huấn nghẹn ngào: “Bị cáo đang làm thì bị bắt… chưa làm xong, không phải là không làm.”
Liên quan đến việc tiêu thụ sản phẩm, bị cáo thừa nhận công ty đã bán một phần quặng đất hiếm và quặng sắt cho nhiều bị cáo khác trong vụ án như Đặng Trần Chí, Giám đốc công ty TNHH thương mại vận tải Hợp Thành Phát; Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đất hiếm Việt Nam....
Về việc sổ sách kế toán, thu chi của công ty, ông Huấn cho biết do chỉ học hết lớp 8 nên các vấn đề đều được ông tin tưởng, giao cho bộ phận kế toán xử lý.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, bị cáo Đoàn Văn Huấn trong vai trò lãnh đạo Công ty Thái Dương đã tổ chức, chỉ đạo khai thác trái phép quặng đất hiếm và quặng sắt tại mỏ Yên Phú (Yên Bái) trong thời gian từ năm 2019 - 2023. Số khoáng sản bị khai thác trái phép có tổng giá trị hơn 864 tỷ đồng; trong đó, bị can Huấn cùng đồng phạm đã tiêu thụ được số quặng trị giá hơn 763 tỷ đồng. Huấn còn chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán, gây thiệt hại hơn 9,6 tỷ đồng tiền thuế cho Nhà nước.
Bình luận (0)