
Album Cánh đồng di sản/The Field of Heritage là album đôi với 2 album riêng biệt, gồm The Field of Heritage/ Life on high của nhạc sĩ Quốc Trung và The Field of Heritage/ City Life của nhạc sĩ Xinh Xô. Trong đó, album của nhạc sĩ Quốc Trung có tất cả 4 track và của album của nhạc sĩ Xinh Xô gồm 7 track.
Theo chia sẻ của nhạc sĩ Quốc Trung trên trang cá nhân trước khi phát hành, 2 album là 2 phần sáng tạo riêng biệt.
"2 album là 2 phần khác nhau của 1 câu chuyện" - nhạc sĩ Quốc Trung nói về album đôi Cánh đồng di sản/The Field of Heritage - "Của tôi là về không gian và vẻ đẹp trong đời sống, văn hoá của các tộc người vùng cao. Của Xinh Xô lại nói về nhưng tâm tư của những con người vùng cao di cư về thành phố mưu sinh, nhưng nối nhớ, những trăn trở nỗi niềm xa quê".

NS Quốc Trung và NS Xinh Xô trong một buổi biểu diễn Cánh đồng di sản tại Hà Nội. (Ảnh: NVCC)
"Mọi người đều có thể dễ dàng tìm nghe trên các nền tảng, nhưng nên nghe lần lượt album của tôi trước để nó kết nối dẫn sang album của Xinh Xô thì sẽ hiểu được câu chuyện mà chúng tôi muốn nói và cả về cách phát triển chất liệu và cảm hứng âm nhạc" - nhạc sĩ Quốc Trung nói thêm - "Tất nhiên là không bắt buộc phải như vậy nhưng bắt buộc phải có tai nghe hoặc nghe trên loa để cảm nhận được không gian và chất âm một cách trọn vẹn nhất".
Album Cánh đồng di sản của nhạc sĩ Quốc Trung có sự tham gia của các nghệ nhân Lầu Thị Pằng, Nông Thị Ngần, Hoàng Thị Sùi.
Trong một chia sẻ về quá trình làm album, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết: "Trong album The field of heritage có bài Misty Sunset. Tôi làm được tiếng Cồng và dùng 4 nốt nhạc theo kiểu Cồng chiêng của người Mường. Dù chỉ có 4 nốt nhưng tiếng Cồng được biến hoá với các âm sắc khác nhau như cách nghệ nhân chơi. Lúc thánh thót âm cao nhưng lại có âm bồi trầm đi kèm. Tiếng sáo Mèo thì cứng rất may đã được sự trợ giúp của ngừoi H'mông ở San Jose Xinh Xô. Đoạn kết lại sử dụng hát Hà Lều của 2 nghệ nhân người Nùng ở Cao Bằng là cô Nông Thị Ngần và cô Hoàng Thị Sùi. Hôm nọ lại được gặp lại 2 cô về để ghỉ hình. 2 cô đã hơn 70 tuổi mà hát vẫn rất hay".

Một bức ảnh với 2 nghệ nhân được nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ trong thời gian anh thực hiện album. (Ảnh: NVCC)
Trong một chia sẻ của mình trên trang cá nhân, nhạc sĩ Quốc Trung cho biết kể từ album Đường xa vạn dặm phát hành 20 năm trước, anh đã có rất nhiều dự định không thành, nhưng cuối cùng, đến năm nay, 2025, anh cũng ra được cái album nhỏ.
"Tôi và Xinh Xô đã từng chia sẻ với nhau về chất liệu Tây Bắc và rất nhiều lần rủ nhau làm chung nhưng phải đến 2022, qua dự án UK - Vietnam Season của Hội đồng Anh, chúng tôi mới có cơ hội thực hiện những ý tưởng" - nhạc sĩ Quốc Trung bày tỏ - "Vì làm producer nên tôi đã dành quyền "phân vai" cho dự án. Tôi làm phần bản làng, còn Xô làm phần thành phố".
"Lần này không phải là những bản phối cho các ca khúc dân ca, cũng không phải các loại nhạc cụ dân tộc. Chúng tôi chỉ lấy những chất liệu, những âm thanh, âm sắc để khắc hoạ nên không gian mình mong muốn. Ngay cả những câu hát của nghệ nhân người H'mong và Nùng cũng được đưa vào sau".
"Chúng tôi cũng không dùng những mẫu âm thanh mà tất cả tiếng đàn môi, sáo mèo, cồng chiêng, đàn tính… đều được chế tác bằng hệ thống modular synth. Trong khi làm, tôi cũng gặp rất nhiều vướng mắc, đôi khi hình dung trong đầu nhưng khi "chế" thì không ra hoặc ngược lại. Bạn đồng hành Xinh Xô vừa là partner chỉ dẫn, vừa là cố vấn giúp đỡ, động viên và cả "cưỡng bức" để ra album đúng thời hạn".
"Sẽ còn thêm vài bài nữa cho đầy nhưng thật sự đây là dự án "tròn" nhất mà tôi đã thực hiện" - nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Trong khi đó, nhạc sĩ Xinh Xô chia sẻ về dự án lần này: "Hai album là hai lát cắt âm nhạc riêng biệt đối lập nhau của một câu chuyện. The Field of Heritage: Life on high (4 tracks) của anh Quốc Trung đưa người nghe đắm chìm trong không gian núi rừng. The Field of Heritage: City Life (7 tracks) của Xinh Xô đưa khán giả xuống tới những con phố nhộn nhịp và bụi bặm của đô thị. Mỗi album là một phần sáng tạo và sản xuất riêng của mỗi anh em chúng tôi như phần 1 và phần 2 của câu chuyện".

Nhạc sĩ Xinh Xô trong buổi biểu diễn tại Lễ hộ Âm nhạc Quốc tế Gió mùa (Monsoon Festival). (Ảnh: NVCC)
"Một thử thách khi thực hiện Cánh đồng di sản là tôi chưa từng đặt chân đến Tây Bắc, và do học cổ điển từ nhỏ, tôi hầu như ko tiếp xúc với âm nhạc của vùng cao" - nhạc sĩ Xinh Xô nói trong một chia sẻ trước khi album chính thức ra mắt trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến - "Tôi đã phải dùng trí tưởng tượng và rất nhiều những cảm nhận trong vô thức để ra được 7 track nhạc".
"Câu chuyện trong dự án về những người trẻ rời làng bản lên thành phố vô tình gợi lại và phản chiếu chính hành trình khi tôi rời Việt Nam, khép lại những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ, những ước mơ xa vời tuổi mới lớn, và cả nỗi buồn mất người thân để bước vào một cuộc sống mới xa lạ, đẫm mặt với sự lạc lõng và đứt gãy. Trong khi thực hiện, tôi nhiều lúc đã thấy một phần mình trong câu chuyện của dự án, trong nỗi nhớ, trong khoảng trống giữa cội nguồn và hiện tại".
Bình luận (0)