Mùa mưa bão đang đến gần, mang theo không chỉ những cơn gió mạnh, những trận mưa lớn mà còn là nỗi lo lắng thường trực, hiện hữu trong từng nếp nhà của hơn 30 hộ dân tại xóm 13, xã Tân Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Đặc biệt, với 25 ngôi nhà nằm sát chân bãi thải phía Bắc của Công ty TNHH Khai thác và Chế biến Khoáng sản Núi Pháo, nguy cơ sạt lở đất đá đang trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.
Bức tường tử thần ám ảnh không gian sống của người dân

Bà Trần Thị Sen, một người dân sống ngay dưới chân bức tường, không giấu nổi sự lo sợ: “Cứ mỗi lần mưa to vào buổi đêm là chúng tôi phải đi ra ngoài thuê nhà nghỉ để ngủ chứ không dám ở trong nhà nữa, trời mưa gió phải chạy ra khỏi nhà”. Câu nói đầy ám ảnh đó không chỉ là lời của riêng bà Sen mà còn là tâm trạng chung của hàng chục hộ dân khác.
Ông Đào Hồng Phương, một người dân khác trong xóm, cũng chia sẻ nỗi lo lắng tương tự: “Lúc nào tôi cũng lo sợ vì ngay đằng sau sát mái nhà có một bức tường cao. Khi mưa lớn, tôi luôn lo lắng cho tính mạng của mình và các thành viên trong gia đình.”
Quan sát thực địa của phóng viên Thời báo VTV cho thấy, bức tường này cao hơn hẳn mái nhà, chỉ cách nhà dân vài mét và được kè đá sát vào. Điều đáng nói là bờ kè được đắp bằng đá hộc, đá dăm với kích thước lớn, nhưng bề mặt lại dốc đứng, hoàn toàn không được gia cố chắc chắn bằng bê tông.
Hiện tại, chỉ có một lớp rào lưới sắt mỏng, hoàn toàn không đủ khả năng ngăn cản đất đá khi sạt xuống. Nhà dân và các công trình phụ như chuồng trại, bếp đều nằm sát ngay chân bờ kè, chỉ cách một bức tường thấp.


Bức tường đá cao ngay sát nhà ám ảnh không gian sống của người dân.
Điều này đồng nghĩa với việc, khi mưa lớn kéo dài, lượng nước ngấm vào bờ kè sẽ làm giảm liên kết giữa các khối đá, dẫn tới đá tảng lăn xuống, đất đá trôi ào ạt xuống nhà dân. Hậu quả khó lường khi đá lăn có thể phá vỡ mái nhà, tường bao, gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng người dân.
Hoạt động khai thác mỏ và mối lo ô nhiễm, sạt lở
Nỗi lo sạt lở không phải là vấn đề mới phát sinh. Trước đó, theo đơn kiến nghị của các công dân, khu vực xóm 13, xã Tân Linh hiện có hơn 30 hộ dân sinh sống, trong đó có 25 ngôi nhà nằm sát chân bãi thải phía Bắc của Công ty TNHH Khai thác và Chế biến Khoáng sản Núi Pháo.
Thời gian gần đây, Công ty đã tiến hành san gạt đất đá và thi công công trình kênh thu nước tại khu vực bãi thải phía Bắc, ngay phía sau khu dân cư.
Hoạt động này đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phát sinh khói bụi, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước sinh hoạt của người dân. Đồng thời, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất đá, đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
Giờ đây, khi mùa mưa sắp đến, áp lực nước trong lòng đất được dự báo sẽ tăng cao, khiến người dân càng thêm lo lắng về sự an toàn tính mạng và tài sản khi tiếp tục sinh sống dưới chân bãi thải của mỏ Núi Pháo. Đây không chỉ là nỗi sợ hãi đơn thuần mà là một thực tế đáng báo động, buộc người dân phải đối mặt với nguy hiểm hàng ngày.
Trước tình hình cấp bách này, các hộ dân đã tha thiết đề nghị được di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn. Đây là một nguyện vọng chính đáng và cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của những người dân đang sống trong cảnh "ngàn cân treo sợi tóc".
Hy vọng giải quyết nỗi lo

Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tại buổi tiếp công dân xóm 13, xã Tân Linh.
Trước những kiến nghị khẩn thiết của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã giao Sở Nông nghiệp và Môi trường (trước đây là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND huyện Đại Từ thành lập ngay đoàn kiểm tra liên ngành. Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra, xác minh thực địa, làm rõ nguyên nhân gây ảnh hưởng đến môi trường và đánh giá cụ thể các nguy cơ mất an toàn theo phản ánh của người dân.
Đoàn kiểm tra chịu trách nhiệm đánh giá, kết luận rõ ràng tình trạng ô nhiễm môi trường (nước, đất, không khí) trên cơ sở kết quả quan trắc, đo đạc khoa học, đúng quy định pháp luật. Báo cáo kết luận phải chỉ rõ vi phạm (nếu có), đồng thời tham mưu, đề xuất các giải pháp khả thi, đúng quy định để UBND tỉnh xem xét, giải quyết kiến nghị của người dân. Thời hạn hoàn thành kiểm tra và báo cáo không quá 45 ngày, kể từ ngày 25/4/2025.
Hơn ai hết, người dân xóm 13, xã Tân Linh đang từng ngày, từng giờ dõi theo những diễn biến từ phía cơ quan chức năng. Nỗi lo lắng về một trận mưa lớn kéo dài, một vụ sạt lở kinh hoàng có thể cướp đi sinh mạng và tài sản của họ vẫn luôn thường trực.
Mong rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, những giải pháp kịp thời và hiệu quả sẽ sớm được triển khai, giúp người dân nơi đây thoát khỏi cảnh “màn trời chiếu đất” mỗi khi mùa mưa bão về, và có thể an tâm sinh sống, lao động trên mảnh đất của mình.
Bình luận (0)