
Giá gạo tại Nhật Bản tăng mạnh
Sau nhiều đợt đưa gạo dự trữ ra thị trường nhằm bình ổn giá, lượng gạo dự trữ của Nhật Bản hiện đã giảm xuống còn 150.000 tấn.
Mỗi năm, Nhật Bản nhập khẩu khoảng 770.000 tấn gạo miễn thuế theo thỏa thuận "tiếp cận tối thiểu" của Tổ chức Thương mại Thế giới, trong đó 100.000 tấn được dùng làm lương thực chính, phần còn lại dành cho thức ăn chăn nuôi và chế biến nguyên liệu.
Thông thường, các phiên đấu giá gạo nhập khẩu làm lương thực chính được tổ chức sớm nhất vào tháng 9, còn gạo làm thức ăn chăn nuôi và chế biến sẽ đấu giá vào tháng 8.
Tuy nhiên năm nay, chính phủ Nhật Bản đã quyết định đẩy sớm thời điểm đấu giá đầu tiên lên cuối tháng 6.
Trước đó, giá gạo tại Nhật Bản đã tăng gấp hai lần trong tháng 5/2025, vọt lên 101,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất trong hơn 5 năm qua.
Mức tăng đột biến này diễn ra sau khi đã tăng 98,4% trong tháng 4/2025 và tăng 92,1% so với cùng kỳ trong tháng 3/2025. Giá gạo Nhật Bản đã trở thành tâm điểm chú ý gần đây, buộc chính phủ phải xả kho dự trữ khẩn cấp nhằm bình ổn giá mặt hàng lương thực thiết yếu này.
Mức tăng của giá gạo xảy ra đồng thời với việc tỷ lệ lạm phát cơ bản của Nhật Bản, không bao gồm chi phí thực phẩm tươi sống, tăng lên 3,7% trong tháng 5/2025, mức cao nhất kể từ tháng 1/2023. Con số này cao hơn mức dự báo 3,6% của các nhà kinh tế do Reuters khảo sát và cũng vượt mức 3,5% của tháng 4/2025.
Trong khi đó, lạm phát toàn phần ở mức 3,5%, thấp hơn so với mức 3,6% của tháng 4/2025. Đây đã là tháng thứ 38 liên tiếp lạm phát tại Nhật Bản duy trì trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ). Tỷ lệ lạm phát lõi, không tính giá thực phẩm tươi sống và năng lượng và được BoJ theo dõi chặt chẽ, đã tăng lên 3,3% so với mức 3% của tháng trước.
Bà Marcella Chow, chiến lược gia Thị trường Toàn cầu tại JP Morgan Asset Management, lưu ý rằng gạo chiếm khoảng 50% trong rổ tính lạm phát cơ bản của Nhật Bản. Bà nhận định xu hướng lạm phát trong tương lai sẽ phụ thuộc nhiều vào giá lương thực, đặc biệt là giá gạo. Trả lời CNBC, bà Chow cho rằng các biện pháp gần đây của chính phủ nhằm giảm giá gạo có thể thúc đẩy chi tiêu hộ gia đình trong nền kinh tế thực, nếu việc giảm giá này lan sang cả các thực phẩm chế biến từ gạo và giúp giá cả tại nhà hàng giảm theo.
Trong một diễn biến khác, ông Kei Okamura, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Neuberger Berman, cho rằng các số liệu lạm phát không nằm ngoài dự đoán do giá lương thực tăng cao. Tuy nhiên, ông dự đoán sức ép từ giá lương thực thực phẩm sẽ giảm bớt trong vài tháng tới. Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị gia tăng ở Trung Đông có thể tác động đến giá năng lượng.
Bình luận (0)