Người dân Suối Đạo “kêu cứu” vì ruộng đất bị nuốt chửng, ô nhiễm rình rập

Quốc Tùng

25/06/2025 13:24 GMT+7

Suối Đạo, một dòng chảy từng là nguồn sống, tưới mát những cánh đồng lúa xanh tốt của bà con nông dân xóm Suối Đạo, xã Phủ Lý, huyện Phú Lương, Thái Nguyên, nay đang trở thành một “điểm nóng” về môi trường và sinh kế.

Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Miền núi bên dòng suối Đạo. Ảnh: Quốc Tùng

Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Miền núi bên dòng suối Đạo. Ảnh: Quốc Tùng

Tình trạng lòng suối bị lấn chiếm, thay đổi dòng chảy, sạt lở nghiêm trọng không chỉ đe dọa trực tiếp đến ruộng vườn mà còn mang theo nỗi lo ô nhiễm, khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Phóng viên Thời báo VTV đã có mặt tại hiện trường để ghi nhận những bức xúc của người dân và tìm hiểu về trách nhiệm của các bên liên quan.

Mạch sống bị bóp nghẹt: Ruộng vườn tan hoang vì "bức tường đất"

Mưa bão suối Đạo “kêu cứu” ruộng đất bị nuốt chửng, ô nhiễm rình rập  - Ảnh 1.

Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Miền núi đổ đất sát bờ suối.

Bà T.T.L, một người dân gắn bó cả đời với xóm Suối Đạo, xã Phủ Lý, huyện Phú Lương, Thái Nguyên, không giấu nổi sự thất vọng và bức xúc khi trao đổi với phóng viên. Giọng bà như nghẹn lại khi kể về sự thay đổi của dòng suối quê hương. “Trước kia, chúng tôi vẫn trồng lúa bình thường, dòng suối chảy êm đềm, hiền hòa. Nhưng từ khi có đơn vị khai thác mỏ về, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn,” bà L cho biết.

Theo lời bà L, đơn vị này đã đổ một bức tường đất cao vút, sát rạt bên kia bờ suối. Chính bức tường đất khổng lồ này đã trực tiếp gây ra tình trạng sạt lở xuống lòng suối và làm biến dạng hoàn toàn dòng chảy tự nhiên của con suối. “Bờ đất bên kia suối đã lấn chiếm dòng chảy, khiến dòng nước bị ép lại. Khi nước lên cao, bờ kè đất đó lại sạt lở xuống suối, khiến tình hình càng trầm trọng,” bà L nhấn mạnh.

Hậu quả của sự thay đổi dòng chảy là vô cùng nặng nề. Dòng nước bị ép lại, chảy xiết hơn, tạo ra những xoáy nước mạnh và gây sói lở nghiêm trọng đến các thửa ruộng đất của bà con xóm Suối Đạo ở bên này suối. “Mỗi khi mưa lớn, nước về nhiều, những xoáy nước đó làm sói lở hết ruộng của bà con chúng tôi,” bà L than thở.

Bà L kể lại, trước đây, từ ruộng của bà con ra đến bờ suối còn rộng hơn 10m, một khoảng cách đủ an toàn cho việc canh tác. Nhưng giờ đây, khi đơn vị khai thác khoáng sản đổ đất sát bên suối, khoảng cách đó gần như không còn. “Họ đổ đất sát quá, làm sói lở hết bên ruộng của bà con. Ruộng của chúng tôi cứ thế mà bị thu hẹp dần, thậm chí có thể bị nuốt chửng bởi dòng nước xoáy,” bà L bức xúc.

Mưa bão suối Đạo “kêu cứu” ruộng đất bị nuốt chửng, ô nhiễm rình rập  - Ảnh 2.
Mưa bão suối Đạo “kêu cứu” ruộng đất bị nuốt chửng, ô nhiễm rình rập  - Ảnh 3.

Bà L chỉ cho Phóng viên về vị trí xoáy sâu bị sạt lở

Không chỉ vậy, việc lòng suối bị thu hẹp còn dẫn đến tình trạng ùn ứ dòng chảy khi mưa lớn. “Trước kia lòng suối rất rộng, khi mưa lớn nước còn được lưu thông tốt. Nay khi bị thu hẹp, nước bị dồn ứ lại, gây sói lở đất ruộng của người dân ở bên xóm Suối Đạo nghiêm trọng hơn,” bà L giải thích.

Điều đáng nói là, với những thiệt hại về ruộng đất rõ ràng như vậy, người dân hiện tại vẫn chưa nhận được bất kỳ khoản đền bù nào. Đây là một gánh nặng lớn đối với những người nông dân vốn đã khó khăn.

Nỗi lo ô nhiễm môi trường rình rập 

Bên cạnh nỗi lo mất đất, bà L còn chia sẻ một mối bận tâm khác không kém phần nghiêm trọng là ô nhiễm môi trường. “Trời mưa to, nước lớn, những ô nhiễm môi trường cũng không thể tránh khỏi khi những nước thải cũng tràn theo xuống suối,” bà L lo lắng. Nguồn gốc của những chất thải này không khó để hình dung khi có hoạt động khai thác mỏ gần đó, tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Mưa bão suối Đạo “kêu cứu” ruộng đất bị nuốt chửng, ô nhiễm rình rập  - Ảnh 4.
Mưa bão suối Đạo “kêu cứu” ruộng đất bị nuốt chửng, ô nhiễm rình rập  - Ảnh 5.
Mưa bão suối Đạo “kêu cứu” ruộng đất bị nuốt chửng, ô nhiễm rình rập  - Ảnh 6.
Mưa bão suối Đạo “kêu cứu” ruộng đất bị nuốt chửng, ô nhiễm rình rập  - Ảnh 7.

Đổ đất sát suối Đạo của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Miền núi gây ra sạt lở thu hẹp dòng chảy.

Ghi nhận thực tế của Phóng viên Thời Báo VTV tại hiện trường đã khắc họa rõ nét hơn những gì bà L phản ánh. Ngay cạnh suối là một bức tường đất cao khoảng 5 – 7m, đổ thẳng ra sát mép suối. Bức tường đất này không chỉ đơn thuần là một đống đất, mà còn có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng, kéo theo cả những gốc tre bị bật rễ, đổ nghiêng ngả. Đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự mất ổn định của bờ đất do hoạt động đổ thải gây ra. 

Ở phía bờ đối diện, nơi sinh sống và canh tác của bà con nông dân, những vết sói mòn và sạt lở hiện rõ mồn một. Dòng chảy xiết do lòng suối bị thu hẹp đã tạo nên những hố sâu, những vùng xoáy nước rộng lớn khi đất bị sói mòn. Điều này càng khẳng định sự chính xác trong những lời kể của người dân về tình trạng ruộng đất bị xâm hại.

Hình ảnh trực quan nhất về hậu quả sạt lở là một mảng đất lớn, màu nâu đỏ, đã bị sạt lở tạo thành một vách dốc cao và dài. Trên bề mặt vách đất này, có thể thấy nhiều vết trượt và những khối đất nhỏ hơn bị bong tróc đã được ghi nhận.

Dưới chân vách sạt lở, một lượng lớn đất, bùn, cành cây và các mảnh vụn thực vật bị cuốn trôi đã tích tụ lại, tạo thành một lớp hỗn độn và trôi xuống con suối. Quan sát cho thấy, đây có vẻ như là hậu quả của một trận mưa lớn gần đây đã gây ra, phơi bày những vết thương của dòng suối.

Đơn vị gây ảnh hưởng và xác nhận của chính quyền 

Theo thông tin tìm hiểu của Phóng viên Thời Báo VTV, đơn vị bị người dân phản ánh đã đổ đất ra sát bờ suối, gây ảnh hưởng đến dòng chảy và sạt lở, sói mòn lòng suối là Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Miền núi nằm trên địa bàn thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương.

Để làm rõ hơn thông tin và trách nhiệm của các bên, Phóng viên Thời báo VTV đã liên hệ với ông Ma Tiến Kốp, Chủ tịch UBND xã Động Đạt, huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Ông Kốp đã xác nhận về những tình trạng này và cho biết địa phương đã làm việc với Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Miền núi.

Mưa bão suối Đạo “kêu cứu” ruộng đất bị nuốt chửng, ô nhiễm rình rập  - Ảnh 8.

Văn bản của UBND xã Động Đạt làm việc với Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Miền núi

Lãnh đạo UBND xã Động Đạt đã tiến hành kiểm tra thực tế và chỉ ra những sai phạm rõ ràng của Công ty. Cụ thể, tại khu vực hồ điều hòa của Công ty giáp với suối Đạo, Công ty đã đổ đất tràn ra mép suối. Khu vực vi phạm có chiều dài chạy dọc theo suối là 50m và chiều cao khoảng 7m.

Đặc biệt, tại thời điểm kiểm tra, nhiều khu vực bị rạn nứt đã được ghi nhận, chứng tỏ sự thiếu ổn định và nguy cơ sạt lở. Những phát hiện này từ phía chính quyền đã củng cố thêm tính xác thực cho những phản ánh của người dân.

Hồi chuông cảnh tỉnh từ thiên tai 

Thực tế đáng buồn tại xóm Suối Đạo không phải là trường hợp cá biệt. Vừa qua, trong tháng 6/2025, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã xảy ra những trận mưa lớn làm ngập úng diện rộng, gây thiệt hại nặng nề về tài sản khoảng 54,154 tỷ đồng.

Những trận mưa lũ này đã một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của tình trạng lấn chiếm lòng sông, suối, gây ách tắc dòng chảy và sạt lở. Khi các dòng chảy tự nhiên bị thu hẹp, khả năng thoát lũ giảm sút, hậu quả của thiên tai càng trở nên khôn lường, đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản của người dân.

Việc Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Miền núi đổ đất lấn chiếm lòng suối không chỉ gây thiệt hại hiện hữu cho ruộng đất của bà con xóm Suối Đạo mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ra những thảm họa lớn hơn nếu không được xử lý triệt để. Hơn nữa, vấn đề ô nhiễm môi trường từ hoạt động khai thác mỏ cũng cần được chú ý làm rõ để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống của người dân.

Người dân xóm Suối Đạo đang mong mỏi một giải pháp toàn diện và kịp thời từ chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Việc khắc phục hậu quả, bồi thường thỏa đáng cho người dân và yêu cầu Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn Miền núi chịu trách nhiệm đầy đủ về những sai phạm của mình là điều cấp thiết.

Liệu những tiếng kêu cứu từ Suối Đạo có được lắng nghe và những hành động cụ thể nào sẽ được thực hiện để trả lại sự bình yên cho dòng suối và cuộc sống của người dân nơi đây? Câu trả lời đang được dư luận mong chờ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.