Người dân cả nước phấn khởi trước thời khắc lịch sử

Nhóm phóng viên Thời sự

30/06/2025 22:01 GMT+7

VTV.vn - Nhiều người dân bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi và tin tưởng, đặt kỳ vọng sau sáp nhập, bộ máy được sắp xếp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn.

Từ sáng 1/7, nhiều cái tên của những vùng quê thân thương sẽ trở thành ký ức thật đẹp trong trái tim mỗi người, nhưng chắc chắn với truyền thống của những vùng đất và với tinh thần dám nghĩ, dám làm của những người con trên quê hương, hợp nhất vì sự phát triển cho quê hương sẽ là mục đích cao nhất.

Xã Yên Bình, tỉnh Lào Cai được sáp nhập từ 4 xã thuộc huyện Yên Bình, nơi có 8 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống. Sáng nay (30/6), bà con dân tộc Cao Lan vượt hơn 30 km đến trung tâm hành chính mới, phần để làm thủ tục, nhưng phần đông khác còn để ngắm nhìn trung tâm mới khang trang được thừa hưởng từ cơ sở vật chất của huyện Yên Bình.

Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình - 3 miền đất mang trong mình những bản sắc riêng biệt, nhưng cùng hội tụ các giá trị văn hóa - lịch sử sâu sắc và tương đồng. Sau khi sáp nhập, tỉnh Ninh Bình mới có diện tích hơn 3.900 km2, dân số trên 4 triệu người, trở thành một trong những tỉnh có quy mô dân số và diện tích lớn nhất vùng Đồng bằng sông Hồng.

Ngày hôm nay cũng rất đặc biệt với hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị khi họ về chung một nhà, trở thành tỉnh Quảng Trị mới. Khi ranh giới giữa hai tỉnh bị xóa bỏ, người dân tràn ngập nhiều cảm xúc đặc biệt.

Người dân cả nước phấn khởi trước thời khắc lịch sử - Ảnh 1.

Thay vì lên rẫy từ sáng sớm, nhiều bà con ở các buôn làng tỉnh Đắk Lắk tập trung ở trụ sở UBND xã, hoặc trước màn hình tivi chứng kiến thời khắc đáng nhớ của quê hương mình.

Chị Trần Thị Tú (tỉnh Quảng Trị) chia sẻ: "Chúng tôi sống giữa ranh giới Quảng Bình và Quảng Trị, sống với nhau rất tình cảm. Sáp nhập tỉnh lần này, chúng tôi rất vui mừng".

Sau sáp nhập, tỉnh Đắk Lắk có diện tích lớn thứ 3 cả nước với dân số hơn 3,3 triệu người. Thay vì lên rẫy từ sáng sớm, nhiều bà con ở các buôn làng tỉnh Đắk Lắk tập trung ở trụ sở UBND xã, hoặc trước màn hình tivi chứng kiến thời khắc đáng nhớ của quê hương mình.

"Bà con đồng bào rất vui vi Phú Yên với Đắk Lắk về chung một nhà, bên kia có biển, có tôm, cá, bên này có cà phê", bà Mí Bân (buôn Kram, Ea Tiêu, Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ.

Khi Đồng Nai và Bình Phước hợp nhất, tỉnh Đồng Nai mới đứng thứ 4 cả nước về quy mô kinh tế. Sáng nay, người dân tập trung tại nhiều địa điểm của 95 xã, phường mới để cùng nhau theo dõi sự kiện trọng đại này.

Chị Nguyễn Tăng Thanh Thảo (tỉnh Đồng Nai) cho biết: "Sau sáp nhập, tôi kỳ vọng Đồng Nai sẽ phát triển mạnh hơn; đội ngũ cán bộ, công chức học hỏi rèn luyện nhiều hơn, đặc biệt là về công nghệ thông tin và ngoại ngữ để bước vào kỷ nguyên mới của đất nước".

Sau sắp xếp, Đồng bằng sông Cửu Long - vùng đất được mệnh danh là "vựa lúa", "vựa trái cây", "vựa thủy sản" của cả nước - sẽ càng có điều kiện và không gian phát triển mới để khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh và khẳng định vai trò, vị thế chiến lược của mình.

Người Việt Nam ở nước ngoài cũng hết sức quan tâm, theo sự kiện trọng đại "sắp xếp lại giang sơn".

"Tôi tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng khi bộ máy được sắp xếp hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và kiều bào khi trở về đầu tư, sinh sống, làm việc và cống hiến cho quê hương", chị Nguyễn Thị Thu Trang (Giám đốc Công ty Luật kết nối đầu tư Asia - Phần Lan) cho hay.

Mô hình mới không chỉ cắt bỏ cấp trung gian không cần thiết, mà quan trọng hơn là tổ chức lại không gian cho phát triển bền vững, để mọi lợi ích đều thuộc về nhân dân. Như Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, để hoàn thành nhiệm vụ đó, không có "vũ khí" nào lợi hại và hiệu quả hơn sự đồng tâm nhất trí của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của toàn dân.

"Trong lúc này, khi chúng ta đang sắp xếp lại tổ chức bộ máy và một cuộc cách mạng, tổ chức như thế này thì vấn đề đoàn kết đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc lại càng có ý nghĩa hơn nhiều. Việc có khó đến mấy chúng ta cũng có thể vượt qua được", ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) nhận định.

"Tổng Bí thư nêu khái niệm chuyển trạng thái. Tôi cho rằng nó không chỉ là một câu nói đơn thuần, mà nó một mệnh lệnh, đã đến lúc bắt đầu thực hiện. Đây là một thời khắc có tính lịch sử", PGS. TS. Nguyễn Ngọc Đào (nguyên Đại biểu Quốc hội) khẳng định.


Tin liên quan

Tổng Bí thư Tô Lâm: Quyết định sắp xếp lại giang sơn là bước đi lịch sử

Tổng Bí thư Tô Lâm: Quyết định sắp xếp lại giang sơn là bước đi lịch sử

VTV.vn - Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, quyết định sắp xếp lại giang sơn là bước đi lịch sử có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của sự nghiệp hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước, hoàn thiện thể chế và tổ chức của hệ thống chính trị đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.