
Ngành du thuyền tại Việt Nam: giàu tiềm năng phát triển
Thị trường giàu tiềm năng, lượng khách siêu giàu tăng nhanh
Việt Nam hiện nằm trong nhóm các nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng nhất khu vực, với GDP tăng hơn 7% trong năm 2024. Đồng thời, theo The Wealth Report 2025 của Knight Frank, Việt Nam đã vươn lên đứng thứ 6 Đông Nam Á về số lượng cá nhân sở hữu tài sản ròng cao (HNWI).
Cùng với đó, báo cáo của PwC cho thấy, tầng lớp trung lưu Việt Nam dự kiến chiếm hơn 55% dân số vào năm 2030 – tạo nền tảng cho sự bùng nổ trong tiêu dùng và các dịch vụ cao cấp như du thuyền.

Một bến du thuyền Vietyacht bên cầu Rồng biểu tượng của Đà Nẵng. Ảnh: Vietyacht
Thị trường Việt Nam cũng ngày càng thu hút giới siêu giàu thế giới. Từ năm 2019 đến nay, nhiều tỷ phú Ấn Độ đã lựa chọn các khu nghỉ dưỡng tại Phú Quốc, Hạ Long để tổ chức đám cưới triệu đô. Riêng trong năm 2024, theo All Asia Vacation (AAV), lượng khách siêu giàu quốc tế đến Việt Nam tăng 12% so với năm trước, với khoảng 100 khách – vượt cả năm 2019, thời điểm đỉnh cao của du lịch Việt.
Bước chuyển mình từ chính sách: Đề án quản lý du thuyền ra đời
Điểm nhấn lớn trong năm 2024 là việc Bộ Xây dựng (trước đây là Bộ Giao thông Vận tải) đã chính thức phê duyệt Đề án Quản lý Du thuyền, đặt nền móng phát triển cho hệ sinh thái du thuyền quốc gia – từ cảng neo đậu, dịch vụ kỹ thuật, vận hành cho đến khung pháp lý cho việc sở hữu và khai thác du thuyền cá nhân.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, ngành tàu thuyền giải trí toàn cầu đạt doanh thu hơn 230 tỷ USD trong năm 2024, với khu vực châu Á – Thái Bình Dương là tâm điểm tăng trưởng. Dù còn non trẻ so với thị trường châu Âu hay Bắc Mỹ, nhưng nhu cầu sở hữu và sử dụng du thuyền tại các quốc gia đang phát triển – trong đó có Việt Nam – đang tăng nhanh nhờ sự trỗi dậy của tầng lớp giàu có.

Bến du thuyền Ana Marina Nha Trang chào đón du thuyền Black Pearl. Ảnh: Ana Marina Nha Trang
Ông Đặng Bảo Hiếu, Chủ tịch HĐQT Ana Marina Nha Trang, nhận định: "Ngành du thuyền cá nhân ở Việt Nam hiện đang như ô tô cá nhân vào những năm 1990. Nếu được đầu tư bài bản, sau 10–15 năm tới, Việt Nam hoàn toàn có thể sở hữu một ngành công nghiệp du thuyền phát triển mạnh mẽ."
Nhu cầu du thuyền cá nhân bắt đầu hình thành
Tính đến năm 2024, đã có hơn 200 du thuyền cá nhân được nhập khẩu và vận hành tại Việt Nam, theo thống kê từ Đề án Quản lý Du thuyền.
Sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam không chỉ đến từ nhu cầu nội địa, mà còn từ tiềm năng mở rộng của các thương hiệu quốc tế. Tháng 6/2025, Aquila Power Catamarans (Mỹ) chính thức chọn Tam Sơn Yachting là nhà phân phối độc quyền tại Việt Nam.
Đại diện hãng cho biết, Việt Nam là thị trường đang lên tại châu Á, đầy tiềm năng để phát triển hoạt động du thuyền giải trí. Ông Benoit Moreau, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Aquila cho biết: "Việt Nam là thị trường mới nổi nhiều tiềm năng. Chúng tôi kỳ vọng thông qua đối tác Tam Sơn Yachting, thương hiệu Aquila sẽ đến gần hơn với người Việt yêu thích du thuyền."

Azimut Grande 32M “Đông Hải” - siêu du thuyền trên 30 mét nhập mới đầu tiên tại Việt Nam.Ảnh: Tam Sơn Yachting
Hướng đến thương hiệu quốc gia mới trên bản đồ du lịch thế giới
Việt Nam hiện hội tụ đầy đủ các yếu tố để phát triển ngành du thuyền: thiên nhiên đa dạng với hơn 3.000 km đường bờ biển, điều kiện khí hậu thuận lợi quanh năm, lượng khách quốc tế gia tăng, cùng sự lớn mạnh không ngừng của tầng lớp trung lưu và thượng lưu trong nước.
Ông Trần Nhuận Vũ, Giám đốc Thương mại Tam Sơn Yachting, cho biết: "Ngành du thuyền Việt Nam vẫn trong giai đoạn khởi động, nhưng chúng tôi tin rằng trong tương lai không xa, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của du thuyền quốc tế – giống như cách Thái Lan, Singapore hay Monaco đã làm được."

Bến du thuyền quốc tế Ana Marina Nha Trang
Với đà phát triển hiện tại, ngành du thuyền tại Việt Nam không chỉ là một xu hướng ngắn hạn mà đang dần trở thành một lĩnh vực kinh tế – du lịch tiềm năng, có khả năng định hình một phong cách sống mới, góp phần nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ du lịch cao cấp toàn cầu.
Bình luận (0)