Một Việt Nam ''nghĩ lớn, hành động lớn, cải cách lớn''

Ban Thời sự

27/06/2025 22:36 GMT+7

Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính dự "diễn đàn của các nhà tiên phong" WEF Thiên Tân 2025 và làm việc tại Trung Quốc góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và mở ra nhiều cơ hội hợp tác cụ thể.

Tối qua (26/6), Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tham dự Hội nghị Thường niên các nhà tiên phong lần thứ 16 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF Thiên Tân 2025) và làm việc tại Trung Quốc.

Với 30 hoạt động trong 2 ngày rưỡi, chuyến công tác của Thủ tướng đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam và mở ra nhiều cơ hội hợp tác cụ thể.

Với sự tham dự của hơn 1.700 đại biểu là đại diện chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, học giả đến từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, Hội nghị WEF Thiên Tân là một trong những diễn đàn quan trọng nhằm đánh giá, thảo luận những xu thế mới, những vấn đề lớn đặt ra đối với kinh tế toàn cầu. Đây là năm thứ ba liên tiếp, Việt Nam được nước chủ nhà Trung Quốc và Diễn đàn Kinh tế thế giới mời tham dự hội nghị, quá đó khẳng định vai trò, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam. 

Với điểm nhấn là phiên đối thoại chính sách đặc biệt về chủ đề "Kỷ nguyên mới của Việt Nam: Từ tầm nhìn đến hành động", Thủ tướng Chính phủ đã chia sẻ với bạn bè quốc tế về một Việt Nam "đang nghĩ lớn, hành động lớn, cải cách lớn" cho kỷ nguyên vươn mình của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm. 

Phiên đối thoại đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các đại biểu quốc tế, như nhận định của Chủ tịch Điều hành WEF, đây là sự kiện có số lượng đại biểu đăng ký tham dự vượt xa khả năng tiếp nhận của diễn đàn, bên ngoài phòng họp có rất đông khách mời đang xếp hàng chờ được tham dự nhưng trong phòng đã không còn một chỗ trống.

''Việc Thủ tướng đến Davos mùa hè là rất quan trọng với chúng tôi. Nhìn vào các quốc gia trên thế giới, Việt Nam là một trong những nước phát triển nhanh nhất. Việt Nam cũng đang có những chính sách thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân. Thủ tướng đã gửi đi tín hiệu mạnh mẽ tại Davos mùa hè rằng các cải cách ở Việt Nam sẽ tiếp tục. Vì vậy, tôi rất lạc quan về sự phát triển kinh tế của Việt Nam'', ông Borge Brende, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhấn mạnh.

Theo ông Richard, McClellan, Cố vấn Kinh tế, Nguyên Giám đốc Quốc gia, Viện Tony Blair:''Tôi cho rằng những phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính thực sự rất ấn tượng và mang đến sự tích cực hiếm thấy trên trường quốc tế hiện nay. Chúng ta đang chứng kiến nhiều sự bất ổn và phức tạp của địa chính trị toàn cầu. Việc Thủ tướng thúc đẩy một tầm nhìn mang tính tương lai - hướng tới sự hợp tác, tập trung vào phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo là một điều đáng khích lệ. Những năm gần đây, Việt Nam đã thực sự hành động. Việt Nam đã mở rộng quan hệ thương mại, làm sâu sắc thêm các đối tác chiến lược, và tránh bị cuốn vào các cuộc xung đột hay cạnh tranh giữa các bên''.

Một Việt Nam ''nghĩ lớn, hành động lớn, cải cách lớn''- Ảnh 1.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 16 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Hội nghị WEF Thiên Tân), Thủ tướng đề xuất '5 tiên phong' có ý nghĩa chiến lược đối với châu Á - Ảnh: VGP

Ở góc độ đa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu khai mạc và là diễn giả chính tại Phiên thảo luận "Thế kỷ của châu Á có đang gặp thách thức?" - một trong những Phiên thảo luận quan trọng và được mong đợi nhất của WEF Thiên Tân. Thủ tướng đã đề xuất "5 tiên phong" có ý nghĩa ý chiến lược đối với châu Á, đồng thời đề xuất 2 sáng kiến cụ thể về "Mạng lưới Đổi mới sáng tạo châu Á" và "Cổng thông tin sáng tạo châu Á". Đặc biệt, Thủ tướng đã đưa ra những nhận định sâu sắc về tình hình thế giới và khu vực, thẳng thắn chia sẻ, làm rõ nhiều vấn đề chiến lược liên quan mà các đại biểu quốc tế hết sức quan tâm, trong đó có quan điểm và ứng xử của Việt Nam trước những vấn đề quốc tế nổi lên hiện nay.

Trong thời gian tham dự Hội nghị, Thủ tướng đã có các cuộc hội kiến, gặp gỡ với nhiều nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ, lãnh đạo các nước, các đối tác, doanh nghiệp, thống nhất những định hướng và biện pháp quan trọng và thiết thực để tăng cường quan hệ song phương. Đồng thời, những trao đổi cởi mở, chân thành, sâu sắc của Thủ tướng về cơ hội đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu như công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, chíp bán dẫn… được các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đánh giá rất cao và mong muốn tăng cường hợp tác, đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Chuyến công tác và làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Trung Quốc với trọng tâm là thúc đẩy triển khai, cụ thể hóa nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước, nhất là Tuyên bố chung trong chuyến thăm cấp Nhà nước đến Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tháng 8/2024 và chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình tháng 4/2025. Thủ tướng đã có cuộc hội đàm sâu rộng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nhằm tăng cường tin cậy chính trị, mở rộng hợp tác thực chất, đưa quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả, lâu dài.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng đã có nhiều hoạt động quan trọng tại Thành phố Thượng Hải - trung tâm kinh tế tài chính hàng đầu Trung Quốc, với GDP năm 2024 đạt hơn 740 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt hơn 30.000 USD. Thủ tướng cũng đã có cuộc hội kiến với Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Cát Ninh; thăm Sàn Giao dịch chứng khoán Thượng Hải - sàn chứng khoán lớn nhất châu Á; tham quan, tìm hiểu kinh nghiệm phát triển của quận Phố Đông - một trung tâm tài chính và thương mại của Trung Quốc. Các cuộc làm việc nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nhiều nội dung quan trọng như phát triển kinh tế nhà nước, phát triển trung tâm tài chính quốc tế, các khu thương mại tự do, thị trường chứng khoán, hạ tầng... cũng như kinh nghiệm trong quản lý và xử lý 2 vấn đề lớn tại các thành phố là ô nhiễm môi trường và giao thông.

Thủ tướng cũng đã dự diễn đàn kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, dành thời gian tiếp nhiều tập đoàn lớn hàng đầu của thế giới và Trung Quốc. Nhiều tập đoàn đánh giá Việt Nam đang phát triển thần tốc, hiện là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và thế giới. Đặc biệt, trong các cuộc làm việc, Thủ tướng đề nghị hai bên thúc đẩy triển khai 3 dự án đường sắt kết nối 2 nước, trong đó tuyến Lào Cai - Hà Nội, Hải Phòng khởi công trong năm nay; đề nghị phía Trung Quốc hợp tác, hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đường sắt.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, khó đoán định, chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng của Việt Nam. Chuyến công tác cũng là bước triển khai thiết thực Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế trong tình hình mới, chuyển tải thông điệp về quyết tâm, khát vọng của Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng.

Tin liên quan

Thủ tướng: Tương lai của châu Á nằm trong tay tất cả chúng ta

Thủ tướng: Tương lai của châu Á nằm trong tay tất cả chúng ta

VTV.vn - Khi người dẫn chương trình hỏi "liệu rằng tương lai của châu Á có nằm trong tay Trung Quốc", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Tôi nghĩ là nằm trong tay tất cả chúng ta chứ không phải nằm trong tay của Trung Quốc".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.