
Ảnh minh họa
Từ ngày 1/7, cả nước chính thức còn 34 tỉnh/thành phố, thay vì 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh như trước đây. Thay đổi này kéo theo điều chỉnh về mã vùng điện thoại cố định, nhằm đồng bộ với tên gọi và địa giới hành chính mới.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, các tỉnh/thành phố mới được hình thành từ việc sáp nhập hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên sẽ sử dụng mã vùng điện thoại cố định theo nguyên tắc kế thừa mã vùng của một trong các tỉnh cũ. Ví dụ, tỉnh Tuyên Quang mới được sắp xếp từ Tuyên Quang (mã vùng 207) và Hà Giang (mã vùng 219), sẽ sử dụng mã vùng 207.
Hiện tại, với 23 tỉnh/thành phố có sự sáp nhập, Bộ cho phép sử dụng song song mã vùng cũ trong thời gian đầu, cho đến khi có thông báo chính thức về chuyển đổi hoàn toàn sang mã vùng mới.
Riêng 11 tỉnh/thành phố không thay đổi về địa giới hành chính, mã vùng điện thoại cố định được giữ nguyên, bao gồm: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Huế, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Sơn La.

11 tỉnh/thành phố không thay đổi mã vùng điện thoại cố định.
Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho biết, thuê bao điện thoại cố định trong cùng mã vùng vẫn có thể gọi điện trực tiếp mà không cần quay mã vùng. Tuy nhiên, các thuê bao điện thoại khác mã vùng nhưng thuộc cùng một tỉnh/thành phố mới vẫn phải quay mã vùng khi gọi.
Về cước phí, thuê bao gọi điện trong cùng mã vùng hoặc khác mã vùng nhưng trong cùng tỉnh/thành phố mới sẽ được tính cước nội hạt. Trong khi đó, các cuộc gọi giữa thuê bao thuộc hai tỉnh/thành phố khác nhau vẫn được áp dụng mức cước liên tỉnh.
Việc điều chỉnh mã vùng điện thoại là một phần trong quá trình chuyển đổi hành chính quy mô lớn đang được triển khai nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển kinh tế - xã hội.


Mã vùng các tỉnh, thành phố trước sắp xếp (52 Tỉnh/TP) và Mã vùng dự kiến sau sắp xếp (23 tỉnh/TP)
Bình luận (0)