Nhà kinh tế Thierry Geiger của Tổ chức Diễn đàn Kinh tế thế giới có trụ sở tại Thụy Sĩ, đồng thời là một trong các tác giả chính của Bản cáo cáo năm nay sẽ trao đổi về vấn đề này.
Báo cáo năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế toàn cầu năm 2012-2013 vừa được công bố, là một trong những tác giả của bản báo cáo đó, những điểm đáng chú ý nào trong kết quả báo cáo năm nay thưa ông?
Ông Thierry Geiger: Cũng có nhiều những thay đổi về mặt kết quả trong báo cáo năm nay, sẽ khó có thể kể hết ra đây được. Tuy nhiên, tôi đưa một vài câu chuyện nổi bật và đáng chú ý.
Trước hết là Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã bị tụt tới 3 bậc, từ vị trí 26 xuống còn vị trí 29. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, Trung Quốc bị tụt hạng.
Mỹ tiếp tục bị tụt xếp hạng, xuống thứ 7. Đó là thay đổi nhỏ, nhưng điều đáng nói, đây là năm thứ tư liên tiếp, Mỹ bị hạ xếp hạng. Một trong những lý do khiến Mỹ bị mất đi tính cạnh tranh của mình là sự mất cân bằng về chính sách tài khóa.
Nhật cũng bị rớt thứ hạng cạnh tranh xuống thứ 10. Còn Thái Lan, mặc dù chúng tôi chưa nhìn thấy sự thay đổi tích cực đáng kể, nhưng ít nhất là nước này đã dừng lại được xu hướng bị tụt hạng liên tiếp. Hiện Thái Lan đứng ở vị trí thứ 38.
Với đặc khu hành chính Hong Kong, đứng thứ 9 và được lọt vào top 10 các nền kinh tế có sức cạnh tranh. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2005, Hong Kong được đứng ở thứ hạng cao như thế. Và Việt Nam cũng cũng đã bị tụt hạng, xuống 10 bậc, còn thứ hạng 75.
Ông đánh giá thế nào về thứ hạng của Việt Nam trong năm nay và làm thế nào để Việt Nam có thể cải thiện được thứ hạng của mình?
Ông Thierry Geiger: Mặc dù trong cả thập kỷ qua, kinh tế Việt Nam đã có những thành công nhất định, song kinh tế Việt Nam vẫn dễ bị tổn thương, dễ bị tác động trước những biến động của bên ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện thứ hạng của mình trong những năm tiếp theo. Để làm được điều đó thì thực sự các bạn phải xây dựng được lòng tin ổn định và chắc chắn cho môi trường kinh doanh từ cộng đồng các doanh nghiệp đến các nhà đầu tư. Cải thiện được việc tiếp cận tài chính, ổn định giá cả và giảm thiểu sự thâm hụt ngân sách.
Chúng tôi hiểu, tất cả những điều này không thể thực hiện một sớm một chiều, mà phải làm từ từ từng bước một, nhưng chúng tôi tin khi dần cải thiện được một trong những yếu tố trên thì môi trường của Việt Nam sẽ dần trở nên cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh đó chúng tôi vẫn đánh giá tích cực đối với một số các yếu tố cơ bản mà Việt Nam đang có, ví dụ, Việt Nam có một thị trường lao động khá hiệu quả, chúng tôi xếp hạng thứ 51, hay hoạt động chăm sóc sức khỏe cũng như giáo dục cơ bản của Việt Nam chúng tôi đánh giá ở mức đầy đủ, xếp hạng thứ 64.
Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này!.
Bình luận (0)