Kết thúc năm 2018, cả 4 ngân hàng thương mại Nhà nước đều báo lãi cao. Thậm chí, mức lãi Vietcombank bằng cả VietinBank và BIDV cộng lại. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019 ngày 9/1, các ngân hàng lớn trước thì khoe lãi nhưng sau đó lại đề nghị tăng vốn vì vốn luôn được xem là sức sống của ngân hàng.
Thực ra câu chuyện tăng vốn của các ngân hàng để đáp ứng yêu cầu của Basel II vào năm 2020 được đề cập nhiều lần trong 2-3 năm trở lại đây. Nếu các ngân hàng cổ phần tư nhân đã nỗ lực và ghi nhận nhiều thành công thời gian qua như 2 ngân hàng nhỏ hơn đã đi trước một bước bằng việc chạm tới Basel II sớm hơn thời hạn tới 1 năm là VIB và OCB, thì các ngân hàng lớn ngoại trừ Vietcombank, vẫn đang "trầy trật" để tăng vốn. Báo chí đã lý giải nguyên nhân của vấn đề cấp bách này.
Sở dĩ các ngân hàng lớn khó gọi vốn khó bởi đều có cổ phần chi phối thuộc về Nhà nước, có nhiều quy định quản lý hơn như phân bổ lợi nhuận. Ngân hàng tư nhân dễ đạt đồng thuận cổ đông chia cổ tức bằng cổ phiếu, còn ngân hàng vốn Nhà nước dù lãi nghìn tỷ nhưng cũng phải chi nhiều để trả cổ tức tiền mặt cho Nhà nước. Ngoài ra, giới hạn về sở hữu Nhà nước tối thiểu 65% cũng gây khó cho gọi vốn.
Chính vì vậy, trong nhiều cuộc họp, lãnh đạo các ngân hàng nói trên và lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đều có mong muốn, khao khát được tạo điều kiện để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu và giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống thấp hơn mức hiện hành.
Trên tờ Tri Thức Trẻ, CEO HSBC Phạm Hồng Hải nhận định khả năng sinh lời cao hơn không nhất thiết dẫn tới khả năng bảo toàn vốn tốt hơn đối với nhiều ngân hàng. Tỷ lệ an toàn vốn trung bình CAR trong ngành ngân hàng đã giảm dần trong các năm qua khi tài sản ngân hàng gia tăng nhanh không đi cùng với khả năng ngân hàng tăng vốn cấp 1.
CAR được dùng để bảo vệ những người gửi tiền trước rủi ro của ngân hàng và tăng tính ổn định cũng như hiệu quả của hệ thống tài chính toàn cầu. Nếu các ngân hàng không thể nâng đủ vốn vào thời điểm năm 2020 khi Basel 2 được áp dụng, Chính phủ có thể phải bơm vốn và theo tính toán của IMF, việc gia tăng vốn này có thể làm giảm 1-1,5% GDP.
Thu hút thêm đầu tư vốn, đặc biệt là từ những nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có vai trò quan trọng. Chủ tịch BIDV Phan Đức Tú đề nghị được tháo gỡ ràng buộc của nhà đầu tư nước ngoài để hoàn tất bán chiến lược.
Mới đây, Vietcombank đã phát hành xong 3% cho đối tác nước ngoài (GIC và Mizuho), song nhu cầu tăng vốn rất bức thiết. Báo Công Thương dẫn lại lời ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đề nghị Chính phủ cho phép được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn; đồng thời, đề xuất nới tỷ lệ room nước ngoài để hỗ trợ cho hoạt động tăng vốn. Tương tự, BIDV cũng bán 15% vốn điều lệ sau phát hành cho đối tác là ngân hàng Hana của Hàn Quốc.
Hiện VietinBank đã hết room bán cho đối tác ngoài, trong khi chuyện sáp nhập PGBank từng được xem là công cụ tốt để tăng thêm vốn 3.000 tỷ cũng bất thành. Ngân hàng này hiện chỉ còn trông chờ vào những thay đổi từ chính sách qua việc chia cổ tức và giảm sở hữu vốn Nhà nước khi đã khai thác tới hạn mọi nguồn lực để tăng vốn.
Đối với các đề xuất ngân hàng cho là "bức thiết" này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói sẽ lên lịch để có thể nghe đầy đủ các ý kiến từ các Bộ, ngành. Dù không có vốn ngân sách để bơm vốn, nhưng Ngân hành Nhà nước phải trình phương án tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng quốc doanh.
Tăng vốn được khơi thông là tín hiệu tốt cho thị trường bởi năng lực tài chính của các ngân hàng tăng cũng đồng nghĩa với việc tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, nhất là khi hệ thống ngân hàng vẫn là kênh vốn chủ đạo như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!
Bình luận (0)