Triển khai đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao

Ban Thời sự

01/01/2001 13:51 GMT+7

VTV.vn - "Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc chơi lớn, nếu không tuân thủ kế hoạch, nguyên tắc, tiêu chuẩn là chúng ta thất bại" - Phó TTg Chính phủ Trần Lưu Quang nói.

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 đã chính thức triển khai. Đây được xem là bước ngoặt lịch sử để nâng cao vị thế người trồng lúa cũng như gia tăng giá trị bền vững cho hạt gạo Việt Nam.

"Liên kết" là từ khóa quan trọng nhất của đề án nói trên. Cụ thể, 100% diện tích chuyên canh sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp phải được liên kết giữa doanh nghiệp cùng các tổ chức đại diện cho nông dân.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: "Người nông dân trồng lúa không chỉ là người bán lúa mà có thể tham gia vào cả chuỗi ngành hàng lúa gạo, từ hạt lúa làm ra hạt gạo rồi những sản phẩm sau gạo là bột và những sản phẩm sau bột là bánh. Bây giờ lại tích hợp thêm bảo vệ môi trường".

Trong thời gian tới, những đồng lúa tham gia đề án mà Chính phủ vừa phê duyệt phải giảm ít nhất 20 - 30% phân thuốc hóa học, tăng cường ứng dụng các chế phẩm sinh học. Đây là giải pháp tiết kiệm tối đa chi phí đầu vào, gia tăng lợi nhuận cho bà con nông dân, đặc biệt là bảo vệ môi trường sản xuất ngày một bền vững hơn.

Mục tiêu của đề án là cắt giảm ít nhất 10% lượng phát thải khí nhà kính so với cách làm truyền thống, giúp tỷ suất lợi của người trồng lúa dự kiến sẽ tăng hơn 50%.

"Những giống lúa có đủ chất lượng gạo tốt để xuất khẩu, được giá thì nông dân mới tăng được lợi nhuận", ông Bùi Văn Lựa - Xã Mỹ Tân, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang nói.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: "Nâng cao năng suất, chất lượng nhưng giảm phát thải. Đồng thời, chúng tôi cũng mời thêm các đối tác mà họ có những công nghệ để đánh giá, kiểm soát chất lượng, giảm khí thải".

Mục tiêu tới năm 2030 sẽ có khoảng 1 triệu nông hộ tham gia đề án áp dụng các quy trình canh tác bền vững như: 1 phải 5 giảm, SRP, tưới khô xen kẽ, đáp ứng theo các tiêu chuẩn quốc tế. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị cũng như vị thế của ngành lúa, gạo Việt Nam theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả và bền vững.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.