Quảng cáo "nổ" công dụng, người dùng gánh hậu quả thật

Ban Thời sự

08/06/2025 08:02 GMT+7

VTV.vn - Quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng, nhiều sản phẩm không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, là thực tế của nhiều kênh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội.

Quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng, nhiều sản phẩm không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc xuất xứ, là thực tế của nhiều kênh bán hàng trên nền tảng mạng xã hội hiện nay. Theo tìm hiểu, nhiều gương mặt, kênh bán hàng kiếm được số tiền rất lớn nhờ bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng theo cách như thế này. Khi lực lượng chức năng tăng cường rà soát, xử lý, nhiều kênh bán hàng lập tức gỡ hoặc xóa bài đăng. Nhưng hậu quả thì người tiêu dùng đã phải hứng chịu.

Luôn tự ti, không dám tiếp xúc với mọi người, da mặt của cô gái ngoài 20 tuổi càng ngày càng bị đen sạm sau một thời gian sử dụng các loại kem bôi, thực phẩm chức năng hỗ trợ làm trắng da. Tin theo những quảng cáo trên mạng xã hội, chị đã mua với số tiền hàng chục triệu đồng cho những sản phẩm kem bôi, thực phẩm chức năng.

Nạn nhân cho biết: "So với lúc bắt đầu chữa, chắc phải nặng hơn 40-50%. Nghe quảng cáo là hiệu quả sau một đến hai lần sử dụng, tâm lý mình là người bị bệnh nên mình muốn nhanh khỏi. Idol, tiktoker review những sản phẩm, mình là người tiêu dùng đặt niềm tin vào đó".

Những tài khoản Facebook và TikTok trên 1 triệu lượt theo dõi, những phiên bán hàng với hàng chục nghìn người xem, sữa, thực phẩm chức năng nhưng quảng cáo công dụng như thuốc chữa bệnh, mỹ phẩm nhưng nói quá công dụng. Nhiều người mua và sử dụng một thời gian không thấy không có tác dụng, đến khi tìm lại những quảng cáo đó hoặc tra mã vạch thì phát hiện sản phẩm không tồn tại.

Quảng cáo nổ công dụng, người dùng gánh hậu quả thật - Ảnh 1.

Càng có nhiều người xem, người thích, giá trị của kênh bán hàng hoặc trang cá nhân của những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng càng tăng lên

Nạn nhân tâm sự: "Mình bị lôi cuốn. Tần suất xuất hiện quá nhiều trên các trang của bác sĩ, KOL, KOC nổi tiếng".

Là chủ nhân một kênh bán hàng trên nền tảng tiktok, với hàng nghìn đơn hàng mỗi ngày, một người bán hàng thừa nhận, nhiều quảng cáo thường có những cam kết không thực tế về chất lượng sản phẩm hoặc dịch vụ, phóng đại quá mức hoặc không minh bạch về thông tin.

Chị chia sẻ: "Hoàn toàn khỏi, thay thế được thuốc, nói quá lên về sản phẩm. Mục đích để thu hút được lượt khách hàng bán được số lượng hàng. Hàng thật hàng giả trên mạng giờ lẫn lộn rất nhiều".

Chỉ một lần quan tâm những nội dung quảng cáo, những lần sau những quảng cáo tương tự lại xuất hiện. Càng có nhiều người xem, người thích, giá trị của kênh bán hàng hoặc trang cá nhân của những người nổi tiếng, người có ảnh hưởng càng tăng lên. Lợi nhuận họ nhận lại được từ phía đối tác cung cấp sản phẩm, hoặc thậm chí từ chính những sản phẩm do mình tự sản xuất, chưa đảm bảo về chất lượng cũng tăng lên. Chỉ có niềm tin và sức khỏe của người tiêu dùng là giảm dần rồi mất đi.

Trong dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công thương đã đề xuất tăng gấp đôi mức phạt tiền đối với các trường hợp vi phạm. Với những người nổi tiếng có ảnh hưởng như KOL, KOC quảng cáo cho hàng giả, hàng kém chất lượng còn phải nộp lại số bộ số tiền, tài sản thu được từ vi phạm, đồng thời có thể bị đình chỉ hoạt động quảng cáo.

Tin liên quan

Đề xuất người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật phải bồi thường

Đề xuất người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật phải bồi thường

VTV.vn - Ngoài nâng mức phạt, đại biểu Quốc hội đề nghị rà soát, bổ sung các quy định về đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, trách nhiệm pháp lý nhất là những người có ảnh hưởng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.