Nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp

Theo VGP News

25/01/2022 11:02 GMT+7

VTV.vn - Về định hướng thị trường BĐS năm 2022, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản phân tích sẽ phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng.

Bộ xây dựng cho biết đang nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp, lồng ghép vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở trong thời gian tới, nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ chế cho phát triển loại hình nhà ở này.

Đánh giá về thị trường bất động sản trong năm 2021, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, hầu hết các dự án phát triển bất động sản trên cả nước đều phải dừng xây dựng, thi công. Từ đầu tháng 10/2021 đến nay, hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế được kích hoạt trở lại tại các địa phương trong bối cảnh bình thường mới.

Về định hướng thị trường bất động sản năm 2022, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản phân tích sẽ phát triển nhà ở theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm môi trường sống, hạ tầng đồng bộ.

Cùng với đó đổi mới căn bản tư duy, chính sách phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển nhà ở theo cơ chế thị trường cho các đối tượng chính sách xã hội.

Liên quan đến vấn đề "sốt" đất tại một số địa phương, đại điện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, sau khi TP Hồ Chí Minh thực hiện đấu giá đất tại khu vực Thủ Thiêm, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ cùng các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố đánh giá về kết quả đấu giá đất cao bất thường vừa qua để có đánh giá chung về thị trường bất động sản.

Hiện Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị đánh giá cụ thể về giá đất trên địa bàn, khi có đầy đủ thông tin sẽ tổng hợp, báo cáo.

Phân tích của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho thấy, giá đất chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó có việc đấu giá, thông qua giao dịch, ảnh hưởng nguồn cung và phát triển cơ sở hạ tầng. Giai đoạn 2020-2021, giá nhà có tăng so với giai đoạn 2018-2019, theo tính toán của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, giá căn hộ cao cấp tăng khoảng 0,5%, căn hộ trung cấp tăng 2-3%, đất nền tăng 5%, có nơi tăng 10%.

Giá nhà đất tăng do nguồn cung hạn chế, nhiều dự án bất động sản chưa hoàn thành nên chưa có sản phẩm chào bán trong khi nhu cầu vẫn tăng. Tình trạng này ảnh hưởng đến chính sách phát triển nhà ở giá thấp.

"Hiện nay, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu cơ chế phát triển nhà ở thương mại giá thấp, lồng ghép vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở trong thời gian tới, nếu được Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ chế cho phát triển loại hình nhà ở này", Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, còn có một số giải pháp khác để tránh ảnh hưởng tiêu cực của "sốt" đất như quản lý chặt tài chính, tín dụng bất động sản, tăng nguồn cung nhà ở xã hội, quản lý việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Điều chỉnh cơ cấu nhà ở trong dự án bất động sản, tránh tập trung đầu tư nhà ở cao cấp. Tăng cường kiểm tra, nhất là công khai nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ thông tin về quy hoạch, dự án bất động sản.

Liên quan đến các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng đề xuất trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, mục đích của chính sách hỗ trợ hướng tới phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, không phải tập trung vào thị trường bất động sản, do vậy, không phải lo ngại ảnh hưởng đến giá nhà đất. Tuy nhiên, thị trường bất động sản luôn phải được kiểm soát để phát triển lành mạnh.

Tin liên quan

Đề xuất nhà đầu tư có quyền sử dụng đất không phải đất ở để xây nhà ở thương mại

Đề xuất nhà đầu tư có quyền sử dụng đất không phải đất ở để xây nhà ở thương mại

VTV.vn - Việc sửa đổi quy định về hình thức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại là chính sách lớn, cần đánh giá kỹ lưỡng hơn các tác động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.