Ông Lê Hồng Thắng, TGĐ Công ty CP Gỗ Đức Thành cho rằng: "Lãi suất cho vay sẽ không giảm tương xứng. Thực tế, ví dụ Nhà nước yêu cầu giảm 1% thì lãi vay chỉ giảm 0,5. Nếu lần này giảm 0,5 tôi nghĩ các ngân hàng chỉ giảm cho các doanh nghiệp 0,3 hoặc 0,2%."
Không chỉ e ngại về mức giảm lãi suất cho vay sẽ không đáng kể, các doanh nghiệp còn tỏ ra không mấy lạc quan về khả năng tiếp cận được vốn vay, vì các ngân hàng vẫn đang giữ các điều kiện cho vay nghặt nghèo.
Bà Trịnh Mỹ Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Khải Hoàn, TP.HCM nói: "Thực tế thì dù có giảm tới đâu đi nữa, các doanh nghiệp cũng rất khó khăn. Hiện tại các ngân hàng không dám cho vay vì giờ nợ xấu của các doanh nghiệp còn nhiều."
Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT - TGĐ Công ty Nam Thái Sơn, TP.HCM kiến nghị: "Trong giai đoạn này, đối tượng cần cứu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Họ trải qua sóng gió 2012 và đang bắt đầu hồi phục trong quý I này, nên cần được bơm năng lượng."
Doanh nghiệp rất tốt vẫn được vay vốn giá rẻ, nhưng việc các ngân hàng sau thời điểm này có dám mạnh dạn cho các doanh nghiệp đang có dấu hiệu hồi phục được vay mới với mức lãi suất thấp hơn hay không vẫn còn là một dấu hỏi. Ngân hàng thì cho biết, họ đã cố gắng hết mức để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhưng để đáp ứng được tất cả những điều mà doanh nghiệp cần lúc này thì không thể chỉ trông chờ ở ngân hàng.
Theo ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt: "Kể cả cho vay 7% thì các doanh nghiệp hiện nay vẫn khó khăn. Doanh nghiệp gọi, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải trả lời. Hiện nay chính sách tiền tệ đã trả lời một cách tròn trịa nhưng chính sách tài khóa thì vẫn đang chờ đợi. Tôi nghĩ điểm cốt lõi là cơ chế kích cầu, làm sao phải kích cầu được thì sản xuất mới lưu thông trôi chảy được. Các khó khăn của ngân hàng và doanh nghiệp cần có những biện pháp mạnh và đồng bộ từ các cấp, các ngành, chứ ngân hàng không thể tự xử lý nổi."
Bình luận (0)