Nâng cao hiệu quả tái chế hàng dệt may

Thường trú Đài THVN tại Bỉ

08/06/2025 07:54 GMT+7

VTV.vn - Với những công nghệ và thiết bị mới có thể tái chế sản phẩm dệt may, các nhà sản xuất châu Âu kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường dệt may phát triển bền vững.

Lần đầu tiên, một triển lãm tái chế hàng dệt may vừa được tổ chức tại Brussels, Bỉ. Tham gia sự kiện này, từ các nhà tái chế và quản lý chất thải đến các nhà sản xuất sáng tạo, nhà cung cấp quần áo, nhà bán lẻ và các bên liên quan đều có cơ hội chia sẻ, khám phá các công nghệ và ý tưởng mới giúp phát triển ngành dệt may một cách bền vững.

126 nhà sản xuất và cung ứng thiết bị, công nghệ trên toàn thế giới lần đầu tiên cùng tụ hội và mang đến nhiều ý tưởng, công nghệ tái chế dệt may mới, giúp nâng cao hiệu quả tái chế sản phẩm dệt may và thân thiện với môi trường.

Ông Gaetane Decloedt - Giám đốc Kinh doanh Công ty Valvan, Bỉ cho biết: "Chúng tôi mang đến máy phân loại sợi vải và máy làm sạch sợi. Làm sạch sợi là bước đầu tiên của quá trình tái chế sản phẩm dệt may. Máy sẽ tự động cắt những bộ quần áo cũ thành mảnh nhỏ, loại bỏ tạp chất để cho ra sợi tái chế tinh khiết nhất".

Với những công nghệ và thiết bị mới có thể tái chế sản phẩm dệt may, các nhà sản xuất châu Âu kỳ vọng sẽ thúc đẩy thị trường dệt may phát triển bền vững, phế liệu dệt may của châu Âu giờ đây không còn được đưa sang các nước thứ ba để tiêu huỷ.

Ông Muhamad El-Fouly - Người Ai Cập chia sẻ: "Chúng ta thấy tác động của chất thải dệt may ở khắp mọi nơi, nhất là các nước đang phát triển, nơi tiếp nhận phần lớn chất thải dệt may đưa vào bãi chôn lấp, dù hoạt động sản xuất và tiêu thụ diễn ra ở châu Âu và các nước Bắc bán cầu".

Ông Robert Van De Kerkhopf - Giám đốc điều hành – ReHubs nêu ý kiến: "Ở châu Âu, chúng tôi không có cơ hội sản xuất hàng may mặc, chúng tôi không có cơ hội sản xuất sợi nên chúng tôi cần giải quyết vấn đề chất thải bằng cách hợp tác với đối tác bên ngoài, có thể là Việt Nam, để chuyển đổi chất thải trở thành hàng may mặc chất lượng cao cho người tiêu dùng châu Âu".

Theo mục tiêu của Liên minh châu Âu, đến năm 2030, toàn bộ sản phẩm dệt may tiêu thụ tại thị trường châu Âu phải có khả năng tái chế. Những thiết bị, công nghệ tái chế dệt may mới ngày càng được nhiều doang nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may quan tâm.

Các nghiên cứu và phát triển về công nghệ tái chế dệt may đang giúp tạo ra các sản phẩm mới từ phế liệu dệt may như sợi tái chế, vải tái chế và thậm chí là các sản phẩm công nghiệp khác.

Tin liên quan

Ngành dệt may các nước khó khăn vì thuế

Ngành dệt may các nước khó khăn vì thuế

VTV.vn - Người lao động lo ngại rằng họ sẽ mất việc làm vì hàng xuất khẩu của họ trở nên quá đắt đỏ đối với người tiêu dùng Mỹ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.