Lãi suất giảm, DN vẫn khó tiếp cận vốn

Quỳnh Như

19/03/2013 09:41 GMT+7

 Với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay, nhiều DN đã có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, thủ tục thẩm định giá trị tài sản của ngân hàng quá lâu khiến DN vẫn khó vay được vốn.

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã xuống mức trung bình dưới 15%, thậm chí nhiều gói tín dụng chỉ còn dưới 12%/năm, khiến nhiều doanh nghiệp có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, câu chuyện về khó tiếp cận vốn vẫn chưa kết thúc. Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, một phần nguyên nhân là ở những quy định, thủ tục và vấn đề thẩm định giá trị tài sản của ngân hàng.

Doanh nghiệp Tân Việt Mỹ hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh trang thiết bị y tế. Do nợ của khách hàng vẫn còn tồn đọng, chưa thanh toán nên doanh nghiệp đang thiếu hụt vốn để triển khai các kế hoạch kinh doanh mới. Vay ngân hàng là phương án được đơn vị hướng đến, tuy nhiên quá trình thẩm định tài sản quá lâu, cùng với giá trị thẩm định thấp hơn nhiều so với tài sản đang có, khiến doanh nghiệp vẫn chưa vay được vốn.

Ông Hứa Phú Doãn, Chủ tịch HĐQT Công ty Thương mại và Dịch vụ Tân Việt Mỹ bức xúc: “Tài sản của tôi là 20 tỉ đồng, tuy nhiên vấn đề là ngân hàng nào cho vay lãi suất thấp thì thẩm định giá trị thấp, còn ngân hàng nào thẩm định cao thì lại cho vay lãi suất cao. Tóm lại đến giờ vẫn rất khó cho chúng tôi vay vốn từ ngân hàng”.

Vấn đề khơi thông vốn đang được sự quan tâm của Ngân hàng Nhà nước. Thời gian qua, NHNN chi nhánh TP.HCM liên tiếp tổ chức nhiều lễ ký kết cho vay giữa ngân hàng và doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi từ 10-12%. Tuy vậy, đại diện nhiều Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, số vốn vay còn quá ít, cùng với đó cơ chế cho vay cũng khá khắt khe.

Ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp quận 8, TP.HCM kiến nghị: “Chúng tôi nhận thấy nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng thông qua các chương trình này lãi suất dưới 12% là điều rất tốt và giúp đỡ một phần doanh nghiệp đang cần vốn. Tuy nhiên, chúng tôi cũng kiến nghị, ngân hàng phải có những cơ chế thẩm định nhanh chóng, thẩm định đúng với giá trị tài sản mà chúng tôi đang có…”.

Câu chuyện khơi thông dòng vốn được Chuyên gia kinh tế Lê Thẩm Dương nhìn nhận dưới góc độ hai chiều. Ông cho rằng, khó tiếp cận vốn sẽ luôn là câu chuyện được đề cập, nếu như cả hai phía doanh nghiệp và ngân hàng đều không có những thay đổi. Thứ nhất, từ phía doanh nghiệp, điều quan trọng là tạo niềm tin cho ngân hàng, đó là niềm tin về uy tín, năng lực kinh doanh, dự án tốt mang lại lợi nhuận. Còn phía ngân hàng đó là câu chuyện về năng lực của cán bộ. Đôi khi một doanh nghiệp nhỏ, nhưng có dự án tốt, đó là tiền, còn không chỉ cho vay dựa vào thương hiệu…

Các chuyên gia cũng nhận định, quá trình khơi thông vốn sẽ phải diễn ra từ từ. Đây cũng được xem là cơ hội để quá trình thanh lọc diễn ra, chỉ có doanh nghiệp nào thực sự tốt và ngân hàng nào thực sự mạnh mới có thể tồn tại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục.
Xin hãy đợi 60 giây nữa.